Sự hối hận muộn màng
Em Vàng Thị Mủ, ở thôn Pù Lùng 2, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) mới 15 tuổi, nhưng đã làm mẹ của hai đứa con. Cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” mà em lấy chồng sớm cũng chỉ vì suy nghĩ lạc hậu của cả phụ huynh và chính các em. Thay vì ngồi trên ghế nhà trường, giờ đây các em lại phải tập làm quen với việc chăm sóc con nhỏ, quay cuồng lo toan “cơm áo, gạo tiền”. Không có việc làm ổn định, nên cuộc sống của hai vợ chồng Mủ rất vất vả, nghèo đói bủa vây.
“Em vẫn còn muốn đi học, nhưng bây giờ thì không được nữa rồi, nhìn thấy các bạn đi học, em khóc nhiều lắm, giá mà khi đó chúng em suy nghĩ chín chắn hơn thì bây giờ sẽ không phải khổ như thế này. Hiện nay em ở nhà vừa trông con, vừa làm việc vất vả lắm, con nhỏ hay ốm, không có tiền mua thuốc chữa bệnh cho con nên vợ chồng thường xuyên cãi nhau", Vàng Thị Mủ buồn bã nói.
Tỉnh Bắc Kạn có gần 90% dân số là đồng bào DTTS. Theo thống kê, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn vùng cao có tới 10 trường hợp hôn nhân cận huyết, hầu hết các em đều là người dân tộc Mông, Dao ở các thôn vùng cao, vùng sâu, vùng xa huyện Pác Nặm, Ba Bể, Chợ Đồn…
Bà Nông Thị Vần - Chi hội Phụ nữ xã Công Bằng, huyện Pác Nặm cho biết: Ở trong xã có 1 cặp hôn nhân cận huyết thống (tức con của chị gái lấy con của em dì). Hai vợ chồng trẻ này mắc hội chứng Down, mặc dù Chi hội Phụ nữ tích cực đến tuyên truyền, vận động nhiều lần, nhưng hai vợ chổng trẻ này vẫn cố tình sinh con thứ 3. Con trẻ sinh ra cũng giống như cha mẹ là không được hoạt bát, minh mẫn.
Cùng với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày càng khiến cho cuộc sống của đồng bào vùng cao lại càng thêm khó khăn hơn. Do vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, để người dân tích cực thay đổi dần nếp nghĩ là vấn đề được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm ở những thôn bản vùng cao hiện nay.
Hiệu quả từ mô hình sân khấu hóa
"Vui, dễ nhớ, dễ làm, thu hút được nhiều người tham gia", đó là Chương trình “Rung chuông vàng” được Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai mạnh mẽ trước vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang tồn tại dai dẳng tại các vùng rẻo cao.
Có mặt tại Chương trình “Rung chuông vàng” do Trường PTTH Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) tổ chức, chúng tôi cảm nhận được bầu không khí sôi nổi, phấn khởi của cả thầy và trò nơi đây. Khắp sân trường rộn vang tiếng hò reo, cổ vũ trước những tiểu phẩm bi hài, “dở khóc, dở cười” về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết do các “diễn viên không chuyên” thể hiện. Tất cả các tiểu phẩm đều phản ánh chân thực về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; làm suy giảm chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, và là một trong những rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Các đội thi để lại ấn tượng cho người xem bởi lối diễn xuất mộc mạc, tự nhiên cùng cốt truyện hấp dẫn, bối cảnh, trang phục, đạo cụ, âm nhạc được chuẩn bị công phu. Mỗi tiểu phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, gần gũi, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Em Thào Thị Thủy, lớp 12A, Trường PTTH Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) chia sẻ: Qua Hội thi, chúng em biết được quy định độ tuổi kết hôn, cũng như hậu quả do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra. Tảo hôn sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các cặp vợ chồng, đặc biệt là người phụ nữ; con sinh ra có nguy cơ dị tật bẩm sinh, hay ốm đau, suy dinh dưỡng. Gia đình gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, hay xảy ra mâu thuẫn do thiếu kinh nghiệm sống, thiếu điều kiện học hành, chăm sóc sức khỏe; ít có cơ hội tham gia hoạt động vui chơi, giải trí... Sau cuộc thi, em sẽ tích cực tuyên truyền cho người thân, bạn bè, bà con không nên tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống".
Từ cách làm sáng tạo bằng hình thức sân khấu hóa, cuộc thi đã thực sự mang lại hiệu quả, mọi người xem dễ nhớ, dễ hiểu và nhớ lâu thông qua các nhân vật hùng biện thuyết phục và những tiểu phẩm thú vị, ý nghĩa. Mỗi thí sinh là một tuyên truyền viên bày tỏ thái độ, suy nghĩ nghiêm túc, ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã, đang là nỗi đau cho nhiều gia đình, là gánh nặng cho xã hội.
Theo bà Triệu Thị Thu Phương - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn: Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS, rất cần sự vào cuộc quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, nhằm tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, cần tập trung triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719.