Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang Vi Thanh Quyền chủ trì Hội nghị. Tham dự có bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Ủy ban Dân tộc); đại diện một số tổ chức phi chính phủ, lãnh đạo các sở, ngành, các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế.
Dự Hội nghị còn có một số tổ chức phi chính phủ: Tổ chức tình nguyện quốc tế Daejin International Volunteers Association - DIVA (Hàn Quốc); Tổ chức Christina Noble Children’s Foundation - CNCF (Vương quốc Anh).
Theo báo cáo tại Hội nghị, dân số toàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2021 là 1.875.238 người, người DTTS chiếm 14,26% dân số toàn tỉnh, với 45 thành phần DTTS. Có 4 huyện đông đồng bào DTTS, gồm: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế. Hiện có 20 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có giấy đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó có 10 tổ chức tích cực triển khai các chương trình, dự án viện trợ, hỗ trợ địa phương. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh tiếp nhận tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng từ các tổ chức phi chính phủ để tập trung đầu tư, giải quyết các vấn đề khó khăn về giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục - đào tạo; y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường...
Thảo luận tại Hội nghị, đa số đại biểu cho rằng, các chương trình, dự án thực hiện bằng nguồn vốn vận động tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ đã bổ sung nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, từng bước nâng cao năng lực cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Theo đó, các đại biểu đề nghị các tổ chức phi chính phủ quan tâm hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp mới, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, nhất là việc trồng, chế biến, tiêu thụ dược liệu. Đồng thời, dành nguồn lực xây dựng các công trình nước sạch tại xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào DTTS.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương hỗ trợ tối đa để các tổ chức phi chính phủ tìm hiểu nhu cầu của các địa phương, của người dân, có giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, trong đó ưu tiên xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, hình thành sản phẩm đặc trưng của địa phương… Một số ý kiến của đại biểu đề nghị các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác vận động hỗ trợ; có hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với công tác xúc tiến, vận động hỗ trợ.
Tại Hội nghị, bà Olivia Lucy Rose Hearn, Giám đốc điều hành Tổ chức Christina Noble Children’s Foundation - CNCF (Vương quốc Anh) cam kết trước mắt sẽ tập trung hỗ trợ thực hiện các chương trình tại huyện nghèo Sơn Động, từ đó sẽ mở rộng ra các địa phương khác. Còn đại diện Tổ chức tình nguyện quốc tế Daejin International Volunteers Association - DIVA (Hàn Quốc) bày tỏ mong muốn được tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu thực tế, nhất là việc truyền dạy tiếng Hàn Quốc, dịch vụ y tế miễn phí cho học sinh vùng DTTS và miền núi... để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp.
Kết luận Hội nghị, ông Vi Thanh Quyền khẳng định: Sự quan tâm, viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã bổ sung nguồn lực, góp phần thúc đẩy KT-XH cho vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bắc Giang. Đồng thời bày tỏ mong muốn các tổ chức phi chính phủ tiếp tục dành sự quan tâm, tài trợ cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh thông qua các chương trình, dự án; phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang trong công tác rà soát, đánh giá, thẩm định nội dung, địa bàn thực hiện dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh trong vận động viện trợ và làm cầu nối trong công tác tiếp nhận tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài dành cho tỉnh Bắc Giang.
Ông Vi Thanh Quyền cam kết: Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang sẽ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các cơ quan khác để nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động và viện trợ, từ đó chủ động kết nối, đề xuất dự án; đồng hành với các tổ chức trong khảo sát, đánh giá và lựa chọn phương thức hỗ trợ; làm tốt công tác vận động, quản lý hoạt động viện trợ, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án từ nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Để các chương trình, dự án viện trợ được triển khai thuận lợi, ông Vi Thanh Quyền đề nghị các sở, ngành, địa phương phối hợp, thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục và nội dung làm việc với các tổ chức phi chính phủ; hỗ trợ, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong tỉnh xây dựng danh mục và nội dung các dự án vận động viện trợ. Rà soát địa bàn, ưu tiên nội dung cần vận động, xây dựng hồ sơ đề nghị hỗ trợ cụ thể, có sức thuyết phục đáp ứng nhu cầu, mong muốn của hai bên trong quá trình triển khai thực hiện.