Đặc biệt, việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn tồn tại không ít rào cản. Tuy nhiên, những năm gần đây, có những học sinh, thanh niên người DTTS từ hoàn cảnh sống của mình đã sản sinh ra nhiều “chất liệu” để xây dựng và hiện thực hóa nhiều ý tưởng sáng tạo khoa học. Các em đang là những tấm gương sáng, những điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp để cho tuổi trẻ noi theo.
Để khích lệ các bạn trẻ vùng DTTS sáng tạo hơn nữa trong nghiên cứu khoa học.
Báo Dân tộc và Phát triển giới thiệu tới độc giả những tấm gương sáng đạt giải cao trong các cuộc thi về khoa học cấp quốc gia và khu vực thời gian qua.
Từ niềm đam mê bản sắc truyền thốngSinh năm 2001, trong một gia đình không mấy khá giả, điều kiện học tập của Vi cũng như các bạn cùng trang lứa còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng với khát vọng vươn lên học tập, để sau này giúp đỡ gia đình và góp phần xây dựng quê hương. Từ cấp 1, đến cấp 2 và bây giờ lên cấp 3, học ở Trường THPT DTNT tỉnh, Vi luôn là học sinh khá giỏi.
Chia sẻ về kinh nghiệm học tập, Đinh Triệu Vi cho biết, để đạt được kết quả học tập tốt, mình phải tự quy định cho bản thân tính kỷ luật, xây dựng kế hoạch, mục tiêu phấn đấu cụ thể cho cả năm học, từng kỳ học, từng môn học. Trong quá trình học, phân phối thời gian hợp lý chứ không nhất thiết dành quá nhiều thời gian để học mà quên đi các hoạt động ngoại khóa, vui chơi cùng bạn bè.
Đánh giá về năng lực học tập của Vi, cô Cù Thị Hồng Diện, Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT chia sẻ: Vi là một trong số những học sinh của trường luôn giữ được thành tích học tập khá giỏi qua các năm. Ngoài ra, em còn rất năng nổ trong công tác đoàn, hội nên được bạn bè và thầy cô quý mến.
Không chỉ học giỏi, Đinh Triệu Vi còn rất yêu thích văn hóa truyền thống, đặc biệt là những bài thơ, bài hát của dân tộc H’rê. Từ tình yêu dân tộc, đồng bào mình, Vi đã nghĩ phải làm một việc gì đó bảo tồn văn hóa dân tộc mình. May mắn sinh ra trong thời đại mới, tiếp cận được nhiều phương tiện, công nghệ thông tin, Vi nảy sinh suy nghĩ truyền bá văn hóa truyền thống cho lớp trẻ cần có một cách làm mới, mà trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào việc truyền bá văn hóa rất có ý nghĩa, tiện dụng.
Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng máy tính, Vi thấy khó khăn nhất trong việc lưu giữ văn hóa truyền thống hiện nay là việc gõ văn bản. Do đồng bào H’rê có chữ viết riêng nhưng lại không có bộ gõ chữ, dẫn đến việc viết bằng văn bản rất khó khăn. Từ thực tế cuộc sống đó, Đinh Triệu Vi đã bắt đầu hình thành ý tưởng sáng tạo ra bộ gõ “chữ đồng bào”.
Sáng tạo bộ gõ “chữ đồng bào”Ý tưởng là vậy, nhưng để thực hiện được nó không phải là dễ dàng gì. Mặc dù nghe và nói tiếng H’rê rất tốt, nhưng khả năng đọc và viết chữ H’rê của chính Đinh Triệu Vi cũng không thực sự tốt. Cũng rất may bên cạnh em, còn có thầy cô nhiệt tình giúp đỡ. Khi nghe Vi trình bày ý tưởng của mình, thầy Bùi Công Phúc, giáo viên bộ môn Tin học đã cùng em lặn lội tìm đến nhà nghiên cứu Yang Danh, Đinh Văn Thành để nhờ tư vấn, rồi tìm hiểu 3 bộ từ vựng dày cộp về chữ H’rê, BaNa Kriêm và Chăm Hroi.
Sau cả năm “vắt óc” mày mò tìm hiểu các loại ký tự và mã hóa, thiết kế các font chữ và xây dựng bộ gõ hiển thị, bộ gõ chữ của người BaNa Kriêm, Chăm Hroi và H’rê Bình Định cũng được xây dựng hoàn thiện trên nền mã nguồn mở của bộ gõ WinVnKey.
Thầy Phúc cho biết: “Phần mềm là một bộ gõ giống như bộ gõ tiếng Việt Vietkey, chỉ khác là nó được tạo ra để các DTTS trong tỉnh đánh chữ của dân tộc mình lên máy tính. Với sáng tạo này, người dùng ngoài việc soạn thảo văn bản chữ thuận tiện, hiệu quả, chính xác, còn khắc phục được hạn chế hiện tại là phải chèn từng ký tự, rất mất công và tốn thời gian”.
Đến nay, bộ gõ chữ này đã được cung cấp cho một số nhà nghiên cứu và người dùng chuyên môn như: ông Đinh Văn Thành, Yang Danh, Yang Huân... sử dụng thử nghiệm. Ông Đinh Văn Thành, ở xã An Trung, huyện An Lão, một nghệ nhân nặng lòng với việc sưu tầm, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của người H’rê, cũng là một trong những người trực tiếp biên soạn cuốn sách “Bộ chữ H’rê Bình Định” đã được Viện Ngôn ngữ học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) công nhận và dùng làm tài liệu dạy cho cán bộ, viên chức. Từ viết sách cho đến các bộ từ điển tiếng đồng bào mình, ông Thành bảo khổ nhất là việc soạn thảo văn bản.
“Tôi vui lắm khi được sử dụng bộ gõ chữ đồng bào. Đây là công cụ hỗ trợ rất nhiều trong nghiên cứu và bảo tồn chữ viết của các DTTS ở Bình Định”, ông Thành chia sẻ thêm.
Sau khi bộ “gõ chữ đồng bào” hoàn thành, đã được mang đi trong cuộc thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017, do Sở GD&ÐT Bình Định tổ chức và đạt được giải khuyến khích. Niềm vui được nhân lên khi sáng tạo này tiếp tục đoạt “cú đúp” giải với việc đạt giải nhì ở Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng (STTTNNÐ) tỉnh Bình Ðịnh năm 2017 (giải cao nhất lĩnh vực phần mềm tin học), và giải ba ở “sân chơi” STTTNNÐ cấp quốc gia. Ðồng thời lọt vào danh sách lựa chọn gửi tham dự chương trình Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc do Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.
Nói về sự sáng tạo của Vi, thầy Phúc chia sẻ: Vi rất thông minh, có nhiều sáng tạo và rất chịu khó. Quá trình nghiên cứu bộ gõ rất vất vả, tốn nhiều thời gian nhưng Vi không hề nản chí, ngoài học tập, em dành hết thời gian cho việc nghiên cứu nên ý tưởng hoàn thành sớm hơn dự kiến của thầy, trò. Những giải thưởng đạt được là hoàn toàn xứng đáng, ghi nhận những nỗ lực không biết mệt mỏi của em.
LÊ PHƯƠNG