Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích về thực trạng nuôi tôm nước lợ, nuôi tôm công nghệ cao và vấn đề môi trường tại khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng; đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề môi trường để phát triển bền vững ngành tôm; đồng thời nghe các hộ nuôi tôm cá thể, hợp tác xã, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm xử lý môi trường nuôi tôm, phương pháp nuôi tôm theo công nghệ vi sinh: Giá thành thấp - Lợi nhuận cao - Cân bằng môi trường…
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, với diện tích hơn 140.000 ha, Bạc Liêu là 1 trong số 3 địa phương có diện tích và sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước. Sản lượng hàng năm của Bạc Liêu đóng góp 20 - 21% tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước.
Tuy nhiên, do nghề nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và cả nước nói chung ngày một phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng, từ đó tạo nên một thách thức lớn đó là “bài toán” về môi trường. Nếu như chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà vấn đề về ô nhiễm và xả thải ra môi trường không được xử lý tốt, thì sẽ trở thành trở ngại rất lớn trong tương lai.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp khó lường, môi trường trong nuôi trồng thủy sản được đánh giá là đang xuống cấp nghiêm trọng, ô nhiễm trên diện rộng và trở thành mối đe dọa tiềm ẩn, Hội thảo lần này sẽ góp phần để ngành tôm tại nhiều địa phương phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.