Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bạc Liêu: Phát huy vai trò hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới

Minh Đạt - 17:12, 28/11/2022

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hợp tác xã nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí việc làm, thu nhập, thay đổi diện mạo nông thôn.

Lãnh đạo bộ NN&PTNT tham quan mô hình nuôi tôm của HTX nuôi trồng thủy sản 30/4 xã vĩnh hậu, huyện Hòa bình.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan mô hình nuôi tôm của HTX nuôi trồng thủy sản 30/4 xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình.

Làm tốt khâu bao tiêu nông sản

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới kinh tế tập thể (KTTT), khu vực KTTT của tỉnh Bạc Liêu có chuyển biến tích cực. Hoạt động khu vực KTTT, hợp tác xã (HTX) phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, với trên 190 HTX, hơn 24.000 thành viên. Trong đó, có 173 HTX trên lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn điều lệ hơn 143 tỷ đồng, số thành viên là 8.734 người. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 520 tổ hợp tác, thu hút hơn 12.000 thành viên tham gia.

Từ khi Luật HTX năm 2012 được ban hành, số lượng các HTX hoạt động hiệu quả tăng lên rõ rệt, chiếm khoảng 55% đối với các HTX nông nghiệp, từ 50 - 83% với các HTX phi nông nghiệp. Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vai trò của HTX được thể hiện rõ nét, nhất là các HTX nông nghiệp. 

Hoạt động của các HTX còn góp phần thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, an sinh xã hội thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các HTX đã cùng với chính quyền xây dựng và phát triển các sản phẩm tiềm năng, chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương.

Điều đáng ghi nhận là, một số HTX nông nghiệp trong tỉnh Bạc Liêu đã phát huy được vai trò của HTX kiểu mới. Tiêu biểu là HTX Vĩnh Cường (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) đã thực hiện tốt việc bao tiêu lúa cho nông dân. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được HTX Vĩnh Cường hỗ trợ chi phí đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm đầu ra, nhờ đó nông dân tránh được tình trạng trúng mùa - mất giá. Ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Vĩnh Cường, cho biết: “Ngoài việc hàng năm bao tiêu gần 21.000ha lúa cho tất cả xã viên, HTX còn thu mua lúa cho nông dân ở các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long với hàng chục ha...”.

Hay HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Đồng Tâm (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) có diện tích đất sản xuất 110ha, với 104 xã viên. HTX có chức năng cung ứng vật tư nông nghiệp, lúa giống, các dịch vụ bơm tát, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Ngoài việc ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ diện tích lúa, HTX còn giúp các xã viên ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất”.

Thành viên HTX Ba Đình, huyện Hồng Dân thu hoạch tôm càng xanh
Thành viên HTX Ba Đình, huyện Hồng Dân thu hoạch tôm càng xanh

Tăng thu nhập cho xã viên

Hàng năm, các HTX trong tỉnh đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn xã viên, người lao động ở nông thôn. Điển hình như HTX nuôi nghêu Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình). Đến thời điểm thu hoạch, trên bãi nghêu có hàng trăm lao động tham gia vào các khâu cào nghêu, vận chuyển, tiêu thụ. 

Hầu hết lao động đều là xã viên của HTX, trung bình mỗi lao động thu nhập từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày. Những lúc thu hoạch rộ thì thu nhập tăng lên 400.000 - 500.000 đồng/người/ngày. Ông Trần Văn Út (xã viên HTX Đồng Tiến) cho biết: “Gia đình tôi có 4 lao động tham gia thu hoạch nghêu cho HTX, mỗi ngày có thu nhập từ 400.000 - 600.000 đồng/người”.

Trong những năm qua, kinh tế tập thể, HTX luôn gắn liền với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đặc biệt, khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật HTX năm 2012, các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từ đó góp phần liên kết sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đưa kinh tế tập thể trở thành thành phần kinh tế quan trọng.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu tham quan các sản phẩm của HTX Ba Đình, huyện Hồng Dân
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu tham quan các sản phẩm của HTX Ba Đình, huyện Hồng Dân

Các ngành chức năng đã hỗ trợ các HTX tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, trang bị kiến thức quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán bộ HTX nhằm đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường, kết nối với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, các HTX trong tỉnh đã phát huy vai trò của kinh tế tập thể, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập bình quân đầu người; đồng thời tạo ra những thay đổi căn bản diện mạo ở khu vực nông thôn.

Hướng tới của tỉnh Bạc Liêu là xây dựng và phát triển các loại hình HTX trên các lĩnh vực, nhất là phát triển HTX nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tăng cường kết nối, tư vấn liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa các HTX với doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các HTX chủ động mở rộng sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Chú trọng xây dựng và phát triển mô hình HTX kiểu mới, liên kết sản xuất - kinh doanh theo chuỗi giá trị, hoạt động có hiệu quả bền vững…

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.