Đến tham dự và chứng minh có Hòa thượng Đào Như - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, cùng chư tôn Hòa thượng, thượng tọạ, Đại đức là Thường trực Hội Đoàn kết SSYN các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ đồng chứng minh. Đặc biệt, sự có mặt hơn 145 đại biểu chính thức là Người có uy tín, Ban Quản trị các chùa Khmer, Salatel trên địa bàn tỉnh tham dự Đại hội.
Về phía chính quyền có: Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Tào Việt Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc); cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành trong tỉnh Bạc Liêu.
Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh Bạc Liêu có 22 chùa Khmer và 10 Salatel, với 261 vị sư, trong đó có 2 vị Hòa thượng, 11 vị Thượng tọa, 13 vị Đại đức, với trên 450 thành viên Ban Quản trị 22 và hơn 30 thành viên của 10 Salatel. Thời gian qua, Hội Đoàn kết SSYN tỉnh Bạc Liêu luôn chấp hành và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Với sự nỗ lực, đoàn kết, thống nhất nội bộ, trong nhiệm kỳ qua, các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer luôn được gìn giữ và phát huy như: Lễ Dâng y Kathina, Lễ Sen Đôn Ta, Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ Kiết giới Si Ma, lễ Cầu an… Đặc biệt là Lễ Hội Ok Om Bok - đua Ghe Ngo là một trong những lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép nâng tầm tổ chức khu vực, tại tỉnh Sóc Trăng trở thành ngày hội chung của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Hàng năm ghe ngo các chùa Đìa Muồn, chùa Đìa Chuối, chùa Kos Thum, chùa Ngan Dừa, chùa Đầu Sấu… đều có tham gia lễ hội.
Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm, nhất là trên lĩnh vực giữ gìn tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS lên hàng đầu, khuyến khích Chư tăng theo học các lớp Pali, Vini của hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer. Ngoài ra các chùa trên địa bàn tỉnh thường xuyên mở lớp xóa mù chữ cho người lớn tuổi và mở các lớp dạy chữ Khmer cho con em vào dịp nghỉ hè....
Bên cạnh đó, với phương châm “ Đạo pháp - Dân tộc” Hội Đoàn kết SSYN tỉnh Bạc Liêu xác định, chùa là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer, thể hiện sự mở rộng nhân ái, hạnh nguyện, từ bi của người con Phật. Việc xây dựng, sửa chữa, trùng tu cơ sở thờ tự luôn được chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của Chư tăng, đồng bào Phật tử trên địa bàn, tổng cộng kinh phí ước tính hơn 76,770 tỷ đồng.
Cùng với đó, trong nhiệm kỳ qua, Chư tăng, Phật tử tích cực tham gia đóng góp ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, tham gia ủng hộ Chương trình xây dựng nông thôn mới, Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, thực hiện tốt công tác từ thiện xã hội như: Chăm sóc sức khỏe, tặng quà cho người nghèo, ủng hộ lớp học tình thương, xây dựng cầu, đường nông thôn, nhà tình thương, biếu áo quan và hỗ trợ mai táng, bệnh nhân nghèo, phát hàng trăm tấn gạo, nhu yếu phẩm, học bổng dụng cụ học sinh... với tổng giá trị trên 12,4 tỷ đồng...
Trước đó (ngày 30/7), tại phiên trù bị, Đại hội Đại biểu Hội Đoàn kết SSYN tỉnh Bạc Liêu suy cử Ban Chấp hành gồm 22 vị, Ban Thường trực 7 vị. Hòa thượng Hữu Hinh tiếp tục được suy cử làm Chủ tịch Hội đoàn kết SSYN nước tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Nhiệm kỳ 2023 - 2028, Đại hội đề ra mục tiêu là tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; vận động các vị sư sãi, ban quản trị chùa và đồng bào Phật tử chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách liên quan đến tôn giáo, dân tộc; phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...
Phát biểu chúc mừng Đại hội, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu cho biết, Hội Đoàn kết SSYN khu vực Tây Nam bộ nói chung và Hội Đoàn kết SSYN tỉnh Bạc Liêu nói riêng, đã được thành lập từ thập niên 60 của thế kỷ XX, trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sự ra đời của Hội Đoàn kết SSYN các cấp đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thu hút được nhiều trí thức và đồng bào, sư sãi Khmer tự nguyện tham gia phong trào cách mạng chống giặc ngoại xâm và các thế lực phản động, cùng với đồng bào các dân tộc trong tỉnh lập nên những chiến công hiển hách.
Nhiều gia đình, ngôi chùa, phum, sóc đã trở thành cơ sở cách mạng an toàn, vững chắc, hết lòng thương yêu, che chở; đùm bọc cán bộ cách mạng trong những năm gian khổ, hiểm nguy trong lòng địch... Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, về mái nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Đoàn kết SSYN tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động và đã tích cực đóng góp trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị tỉnh nhà ngày càng vững chắc... Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh mong muốn trong nhiệm kỳ mới, Hội tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn các chùa, Salatel và đồng bào Khmer thực hiện tốt những nhiệm vụ đã được xác định tại Đại hội, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra…
Tại Đại hội, đại diện UBND tỉnh Bạc Liêu trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 5 tập thể và 11 cá nhân trong Ban Chấp hành Hội Đoàn kết SSYN tỉnh nhiệm kỳ 2018 - 2023 vì đã thành tích đóng góp xuất sắc trong công tác phật sự và thế sự.