Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, còn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất. Như việc tuyên truyền, phổ biến các chương chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách dân tộc đến các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời tạo điều kiện cho bà con tiếp cận vốn vay ưu đãi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình kinh tế nông hộ. Từ đó, tạo động lực để bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ông Danh Mỹ, ngụ xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân chia sẻ: Từ khi tiếp cận được các nguồn vốn vay, được hướng dẫn cách làm ăn bài bản, cộng sự tính toán trong làm ăn, đời sống của đồng bào Khmer chúng tôi đã có bước phát triển. Kinh tế ổn định, bà con có điều kiện quan tâm hơn đến các hoạt động xã hội, mang tính cộng đồng; chung tay cùng cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Cùng với đó, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn còn được hỗ trợ trực tiếp, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, trình độ sản xuất được nâng lên rõ rệt, giúp người dân dần thay đổi thói quen về canh tác, trồng trọt, chăn nuôi. Có thể nói, việc hỗ trợ con giống, cây trồng và tập huấn phương thức sản xuất mới, đã giúp bà con giảm gánh nặng về vốn sản xuất đầu tư ban đầu, yên tâm phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống.
Song song với phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân cũng được quan tâm cải thiện. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng. Bên cạnh đó, đời sống ngày càng được nâng cao, cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer tiếp xúc với sản phẩm văn hóa mới.
Sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Khmer, đã góp phần làm chuyển biến đời sống của đồng bào trên tất cả các lĩnh vực. Ông Thạch Mít, ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi chia sẻ: Từ khi được Đảng, Nhà nước chăm lo, hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển sinh kế, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc. Nhờ đó, nhiều loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống của người Khmer đã được phục hồi và phát triển, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong các dịp lễ tết của đồng bào Khmer.
Trong dòng chảy hội nhập và phát triển hiện nay, những di sản văn hóa của đồng bào Khmer ngày càng có sự giao thoa. Từ đó, việc bảo tồn bản sắc văn hóa vốn đã như một chỉnh thể cũng ngày càng quan trọng hơn. Có thể tìm thấy những nét đẹp thuộc về phong tục, tập quán đã được kết tinh qua hàng trăm năm của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng ở những lễ hội truyền thống như: Chôl Chnăm Thmây, Sen Đôn-ta, Oóc-om-bóc…
Ông Danh Cáo, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hồng Dân, cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer, thì cần tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ lưu giữ. Đây là công việc phải thực hiện thường xuyên và lâu dài, thông qua việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung, thế hệ trẻ nói riêng.
Bên cạnh đó, cũng cần xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao… trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Cùng với việc triển khai hiệu quả nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đầu tư toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đời sống của đồng bào Khmer sẽ ngày càng được nâng lên, bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy.
Nhờ huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. Nhiều hộ gia đình đã biết tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó, tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng có đông đồng bào Khmer. Công tác giáo dục và đào tạo ở tỉnh cũng đã có nhiều tiến bộ, mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo được phát triển rộng khắp, cơ sở vật chất và năng lực đào tạo của các cơ sở từng bước được nâng cao.