Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Bắc Kạn: Triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719, thúc đẩy kinh tế xã hội vùng DTTS, miền núi phát triển

Thiên An - 05:25, 18/11/2023

Bằng tâm thế chủ động, với nhiều giải pháp, tỉnh Bắc Kạn đã khẩn trương và quyết liệt triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG 1719, với mong muốn chính sách hỗ trợ, đầu tư sớm đến được với vùng đồng bào DTTS, góp phần giải quyết những khó khăn bức thiết, đẩy nhanh sự phát triển kinh tế-xã hội trong vùng.

Người dân thôn Đà Non, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới được hỗ trợ dê giống để phát triển chăn nuôi
Người dân thôn Đà Non, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới được hỗ trợ dê giống để phát triển chăn nuôi

Triển khai kịp thời

Bắc Kạn là tỉnh vùng cao, với gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã huy động nhiều nguồn lực, thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) được triển khai, tỉnh Bắc Kạn đã bắt tay ngay vào triển khai các Dự án, Tiểu dự án. Từ đó, tạo động lực để bà con từng bước vươn lên, phát triển kinh tế.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bắc Kạn được phân bổ hơn 3.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG 1719. Cụ thể, năm 2023, tỉnh Bắc Kạn được giao hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó tỉnh đã dành hơn 270 tỷ đồng để thực hiện Dự án 3: “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”. 

Dự án này gồm 2 tiểu dự án: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo đó, trong 2 năm (2022-2023) UBND tỉnh Bắc Kạn đã giao kinh phí 54 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Các mô hình đã được triển khai như liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bí xanh, bí đỏ của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Na Rì; liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm bí xanh, mướp đắng rừng và nghệ trên địa bàn huyện Pác Nặm của Hợp tác xã Giáo Hiệu; trồng và tiêu thụ khoai tây nguyên liệu của huyện Bạch Thông; nuôi gà lông màu trên địa bàn huyện Na Rì; chăn nuôi trâu bò huyện Ngân Sơn…

Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, UBND tỉnh Bắc Kạn giao kinh phí thực hiện 111 dự án (năm 2022 là 42 dự án; năm 2023 là 69 dự án), hiện thẩm định và triển khai 40 dự án. Các mô hình được tổ chức thực hiện dựa trên nhu cầu của đồng bào DTTS về các sản phẩm hiện có và sản phẩm tiềm năng của địa phương.

Một góc huyện Pác Nặm đổi mới khang trang
Một góc huyện Pác Nặm đổi mới khang trang

Ưu tiên cho sinh kế và giao thương hàng hóa nông sản

Đối với nội dung 2 tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4: “Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, cũng đang được tỉnh Bắc Kạn chú trọng đầu tư.

Cụ thể, trong năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đã khởi công xây mới 2 chợ: chợ xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn; chợ xã Công Bằng, huyện Pác Nặm và cải tạo, nâng cấp 2 chợ: chợ xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm và chợ xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn với tổng số vốn được giao hơn 10 tỷ đồng. Hiện nay, cả 4 công trình đã thi công xong và đưa vào sử dụng cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân.

Các chợ được phân bố hợp lý, phù hợp với điều kiện địa hình, địa giới của địa phương, từ trung tâm huyện đến các xã cách 2 đến 3 xã có một điểm chợ (chợ cụm xã) thuận lợi cho việc giao thương, trao đổi hàng hóa của người dân; các điểm chợ đều gần các trục đường giao thông nên thuận tiện cho việc giao lưu, trao đổi, buôn bán hàng hóa.

Bên cạnh đó, Bắc Kạn cũng triển khai thực hiện Tiểu dự án 2: “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”. Đơn cử như, dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới đã xây dựng dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng chăn nuôi dê sinh sản tại thôn Nà Đon, với tổng nguồn vốn hơn 400 triệu đồng. 

Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ về giống, vật tư và tập huấn kỹ thuật. Dù mới triển khai nhưng mô hình đang cho hiệu quả trong việc tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo.

Hay tại xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông từ dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng, địa phương đã thực hiện hỗ trợ dự án trồng nấm cho 7 hộ dân thôn Bản Đán với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Mô hình sản xuất các loại nấm sò, nấm mộc nhĩ và nấm hương. Hiện, những hộ dân tham gia đã có thu nhập bước đầu từ sự hỗ trợ sản xuất này.

Tại Pác Nặm, với đặc thù là huyện khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, trong năm 2023 cũng đã thực hiện 4 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng về chăn nuôi và trồng trọt tại 2 xã Bằng Thành và Bộc Bố.

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng cũng đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào DTTS và miền núi vươn lên, ổn định cuộc sống. Với những kết quả tích cực ban đầu trong thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã cho thấy quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

 Với những giải pháp thiết thực, đồng bộ, Chương trình MTQG 1719 đang tạo thêm 'lực đẩy" phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương vùng DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tạo sinh kế, giúp đồng bào DTTS phát triển bền vững.



Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.