Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Bắc Kạn: Đa dạng các biện pháp nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS

Mộc Nhi - 08:15, 16/11/2023

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã để lại những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống và sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp với các cách làm thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS.

Một tiểu phẩm tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do học sinh Trường PTDT Nội trú Ba Bể thể hiện
Một tiểu phẩm tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do học sinh Trường PTDT Nội trú Ba Bể thể hiện

Đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Là tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Kạn có trên 88% dân số là đồng bào DTTS. Tình trạng TH&HNCHT sinh nhiều con, sinh dày vẫn còn tồn tại ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao nơi đây. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm suy giảm chất lượng dân số, thất học, khó giảm nghèo.

Trước tình trạng TH&HNCHT vẫn tồn tại dai dẳng tại các vùng cao trên địa bàn, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em, làm suy giảm chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đang phối hợp thực hiện quyết liệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I (Từ năm 2021 - 2025). Mục tiêu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.

Xác định tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ chủ chốt trong ngăn chặn, đẩy lùi TH&HNCHT, Bắc Kạn đã đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung lẫn hình thức. Theo Ban Dân tộc tỉnh, để giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS, cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp đối với công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT.

Đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, đúng đối tượng; phát huy vai trò đội ngũ báo cáo viên các cấp, cán bộ xã, thôn; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các chương trình thông tin lưu động, sân khấu hóa; hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật.

Tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại TP. Bắc Kạn.
Tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại TP. Bắc Kạn.

Bên cạnh đó, xây dựng các phóng sự, tin, bài phản ánh về hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống phát trên hệ thống phát thanh truyền hình, nhất là loa truyền thanh cơ sở; tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội thi tìm hiểu pháp luật và hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí tại trung tâm và lưu động đến các điểm dân cư vùng dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người DTTS, già làng, trưởng thôn, người có uy tín, hòa giải viên, cộng tác viên ở cơ sở trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình và các biện pháp ngăn chặn như vận động Nhân dân trong cộng đồng không dự đám cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ngay từ trong khu dân cư.

Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, để thực hiện hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp với các cách làm thiết thực như: Sân khấu hóa để dễ nhớ, dễ hiểu; phát huy vai trò Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động thường xuyên, kịp thời… Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương tổ chức hoạt động tuyên truyền tại các xã và 11 mô hình điểm, nơi có nguy cơ xảy ra tình trạng tảo hôn cao bằng nhiều hình thức”.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phong phú các hình thức vận động nâng cao nhận thức của người dân thì sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cũng là rất cần thiết để đẩy lùi nạn TH&HNCHT.

Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội thi tìm hiểu về Luật Hôn nhân gia đình, kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống năm 2023 tại Trường PTDTNT Chợ Đồn.
Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội thi tìm hiểu về Luật Hôn nhân gia đình, kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống năm 2023 tại Trường PTDTNT Chợ Đồn.

Quyết tâm giảm thiểu TH&HNCHT - nâng cao chất lượng dân số

Ở thôn Lủng Pạp, xã Cao Tân là thôn vùng sâu, vùng xa của huyện Pác Nặm, nơi có 100% dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 96%, bà con trong thôn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp là chính. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) cách đây 3 năm về trước vẫn còn xảy ra.

Tuy nhiên, từ khi thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS”, tình trạng TH&HNCHT đã giảm hẳn. Được biết, năm 2020, thôn Lủng Pạp đã tuyên truyền, vận động giảm nạn tảo hôn được 2 cặp không tổ chức cưới khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định. Học sinh trong độ tuổi đều được đến trường. Năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 thôn duy trì không còn tình trạng TH&HNCHT.

Với cương vị là Trưởng thôn, Người có uy tín, ông Giàng Á Tịnh chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS: “Tôi đã tham mưu với Chi ủy chi bộ, Ban công tác khu dân cư làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình có con độ tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi để các gia đình tuyên truyền, giáo dục cho các cháu nhận thức được TH&HNCHT là hành vi phạm pháp luật, gây ra những hệ lụy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tương lai của các cháu. Đặc biệt, tuyên truyền cá biệt và ngăn chặn hộ gia đình có nguy cơ có con tảo hôn và tuyên truyền không cho hộ gia đình đó tổ chức đám cưới cho con khi chưa đủ tuồi kết hôn”.

Theo ông Bế Ngọc Thuấn, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết: Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. 

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tình trạng TH&HNCHT trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao và có xu hướng gia tăng. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 235 cặp kết hôn sớm/4.137 cặp đăng ký kết hôn (chiếm 5,6% so với kết hôn đúng độ tuổi); có 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. TH&HNCHT thường xảy ra ở nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, độ tuổi tảo hôn phổ biến từ 16 đến 19 tuổi đối với nam và từ 14 đến 17 tuổi đối với nữ.

Ông Bế Ngọc Thuấn cho biết thêm, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, giai đoạn 2015 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025...

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đoàn thể từ tỉnh đến tận các bản làng sẽ là yếu tố then chốt để ngăn chặn và xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nơi đây, hy vọng vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa ở Bắc Kạn sẽ càng ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS nơi đây từng bước được nâng lên, phát triển. 

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.