Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bắc Kạn: Để nông sản vươn ra “biển lớn”

Mộc Lan - 20:23, 01/06/2023

Thời gian gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã và đang chú trọng triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, phát triển các mặt hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) theo hướng củng cố số lượng, nâng cao chất lượng với mục tiêu đưa nông sản vươn ra “biển lớn”.

Giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn với du khách.
Giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn với du khách

Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 182 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, định hướng phát triển sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) có sản phẩm OCOP chủ động thay đổi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Đơn cử như ở xã Côn Minh, huyện Na Rì, HTX Tài Hoan được thành lập năm 2018 với ngành nghề chính là chế biến tinh bột, sản xuất và kinh doanh miến dong. Cùng với việc nâng cao chất lượng chế biến tinh bột, HTX đã chú trọng mở rộng liên kết xây dựng vùng trồng cây dong riềng chất lượng cao, đáp ứng nguyên liệu phục vụ chế biến.

Sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì được bốc lên xe chuẩn bị xuất sang châu Âu.
Sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì được bốc lên xe chuẩn bị xuất sang châu Âu

Chị Nguyễn Thị Hoan - Giám đốc HTX Tài Hoan cho biết: Các sản phẩm của HTX đều được tạo nên từ tinh bột của cây dong riềng nguồn gốc rõ ràng, vùng trồng sạch, nguồn nước và khí hậu tốt, rất an toàn cho sức khỏe. Sản phẩm miến dong của HTX đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Từ năm 2019, sản phẩm đã được xuất khẩu sang châu Âu.

Đóng gói miến dong tại HTX Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì.
Đóng gói miến dong tại HTX Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì.

Còn tại Tp. Bắc Kạn, HTX Nông nghiệp Tân Thành, thành lập năm 2017, ngành nghề chính là chế biến nông sản với sản phẩm tinh bột nghệ nếp đen, tinh bột nghệ nếp đỏ, nghệ sấy lát… được đánh giá là sản phẩm chất lượng hàng đầu Việt Nam xuất xứ 100% hữu cơ tự nhiên.

Chị Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành chia sẻ: Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến chất lượng sản phẩm, ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào đã được lựa chọn kĩ càng. HTX ký hợp đồng với các hộ dân và hướng dẫn trồng theo đúng quy trình kỹ thuật, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người sử dụng.

Đóng gói sản phẩm tinh bột nghệ của HTX Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng, Tp. Bắc Kạn.
Đóng gói sản phẩm tinh bột nghệ của HTX Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng, Tp. Bắc Kạn.

Cùng với việc nâng cao chất lượng các sản phẩm, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm xúc tiến, quảng bá, đưa thương hiệu, sản phẩm OCOP của địa phương có mặt trên nhiều thị trường trong, ngoài nước. Toàn bộ sản phẩm OCOP đều được tỉnh hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử VoSo và sàn thương mại điện tử Postmart.

 Đặc biệt, mới đây, HTX Tài Hoan và HTX Nông nghiệp Tân Thành đã có sản phẩm lên sàn thương mại điện tử https://www.alibaba.com một trong 10 sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Năm 2023, Bắc Kạn phấn đấu có ít nhất 20 sản phẩm OCOP mới và nâng cấp 4 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao và đề xuất 1 sản phẩm tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Củng cố, nâng cấp sản phẩm OCOP đã được công nhận và phát triển các sản phẩm mới đăng ký năm 2023.

Trong đó, tập trung xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất, định hướng phát triển sản phẩm theo quy trình, đạt các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế như tiêu chuẩn: Organic, ISO: 22000, HACCP, VietGAP… Ngoài sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, tỉnh Bắc Kạn hiện có HTX rượu men lá Thanh Tâm, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn đã được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Chế biến trà hoa vàng tại HTX nông lâm Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn.
Chế biến trà hoa vàng tại HTX nông lâm Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn

Bắc Kạn đang đầu tư vào các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, liên kết chuỗi, quy hoạch vùng nguyên liệu phát triển bền vững, từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết hợp tác…từng bước đưa các sản phẩm nông sản vươn ra “biển lớn”.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Cương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn: Từ lợi thế, tiền đề đã có sẵn là các sản phẩm đặc hữu đã được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP, hữu cơ, có thương hiệu trên thị trường, tỉnh Bắc Kạn đã và đang thực hiện quy hoạch các vùng nguyên liệu cây trồng đặc hữu. 

Đồng thời, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng sản xuất chế biến quy mô lớn. Ngoài ra, tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai, thuế, lao động, tín dụng… mời gọi các nhà đầu tư đến Bắc Kạn để sản xuất và chế biến nông sản chất lượng cao.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.