Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bắc Kạn: Chưa phát huy hết tiềm năng hồng không hạt

PV - 15:05, 10/12/2019

Được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2010, hồng không hạt Bắc Kạn được xác định là 1 trong 5 sản phẩm nâng cao năng lực cạnh tranh cùng với cam, mơ, chè, quýt. Tuy nhiên, giá trị kinh tế của loại đặc sản này chưa phát huy đúng tiềm năng, lợi thế vốn có.

Người dân Bắc Kạn thu hoạch hồng không hạt
Người dân Bắc Kạn thu hoạch hồng không hạt

Hồng không hạt Bắc Kạn có vỏ ngoài vàng sáng đẹp mắt, vị ngọt đậm, nhiều cát và rất giòn.

Năm 2013, quả hồng không hạt của Bắc Kạn được công nhận là sản phẩm nằm trong Top 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam, do Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cùng tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo bình chọn.

Tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 760ha cây hồng không hạt, trong đó diện tích cho thu hoạch gần 500ha, có 8ha diện tích được chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc VietGAP. Năm 2019, ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện thâm canh, cải tạo 150ha và trồng mới 60ha cây hồng không hạt bản địa.

Trên thực tế, dù là nông sản đặc hữu đã được định danh, nhưng thị trường sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn hiện nay vẫn chủ yếu là bán trong tỉnh và một vài tỉnh lân cận và 100% vẫn là quả tươi nên chỉ mang tính chất thời vụ. Giá tại vườn từ 25.000 - 30.000 đồng/kg là khá, nhưng với năng suất 56 tạ/ha như hiện nay vẫn còn thấp. Người dân chưa chú trọng áp dụng khoa học-kỹ thuật vào chăm sóc cây khiến nhiều diện tích hồng không hạt thoái hóa, kém phát triển.

Mặc dù được xúc tiến quảng bá, giới thiêụ đến các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đã có mặt trong các hệ thống siêu thị lớn như Co.op Mart hay BigC… nhưng người tiêu dùng mới chỉ biết đến hồng không hạt Bắc Kạn là loại đặc sản chỉ có theo mùa từ tháng 9 và tháng 10 hằng năm. Đây là một sự lãng phí, khi thương hiệu đặc sản miền sơn cước này chưa có bất kỳ một sản phẩm chế biến nào. Hiện tại ở Bắc Kạn, các đơn vị sản xuất vẫn còn nhỏ, phân tán nên quản lý chất lượng từ khâu trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ còn chưa được bảo đảm.

Nhìn sang quả hồng giòn tại Đà Lạt, địa phương này đã tạo được thương hiệu hồng khô, hồng treo gió nổi tiếng cả nước và giúp loại đặc sản này hồi sinh. Nếu giá bán 1kg quả tươi chỉ vài chục nghìn đồng, thì 1kg hồng sấy khô có giá trị gấp vài chục lần, với giá từ 250.000 - 400.000 đồng/kg. Chính những đặc sản này không chỉ nâng cao giá trị kinh tế khi được chế biến, mà còn có giá trị rất lớn trong quảng bá du lịch, vùng đất, con người.

Từ thực tế trên cho thấy, ngoài việc áp dụng khoa học-kỹ thuật, nâng cao năng suất, khẳng định thương hiệu đặc sản hồng không hạt Bắc Kạn, địa phương cần mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm này theo hướng chế biến như mứt hồng, hồng sấy… Đồng thời, cần tạo lập mạng lưới các điểm bán hàng đặc sản có thương hiệu, có nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng. 

Việc này không chỉ nâng tầm quả hồng Bắc Kạn mà có thể giúp giải quyết việc làm cho nhiều người lao động hơn. Bởi tiềm năng của loài cây này không chỉ là xóa đói giảm nghèo mà còn có thể trở thành cây làm giàu cho nông dân.

Bắc Kạn có 760ha cây hồng không hạt, trong đó diện tích cho thu hoạch gần 500ha, có 8ha diện tích được chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc VietGAP. Dù là nông sản đặc hữu đã được định danh, nhưng thị trường sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn hiện vẫn chủ yếu là bán trong tỉnh và một vài tỉnh lân cận.