Chuyện kể trên đồi Tỉn Keo
Mặc dù đã bao nhiêu năm trôi qua, những nhân chứng trực tiếp được gặp gỡ Bác Hồ ở Thủ đô gió ngàn không còn nhiều, nhưng hình ảnh về Người vẫn vẹn nguyên trong trái tim của đồng bào nơi đây.
Ông Ma Tuấn Hoa (sinh năm 1953), Người có uy tín thôn Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên xúc động cho biết, khi ông sinh ra, Bác Hồ đã không còn ở Định Hóa. Nhưng câu chuyện về Người luôn được các thế hệ cha ông kể từ đời này sang đời khác.
Ông nhớ mãi câu chuyện mà bà Ma Thị Tôm (người dân trong thôn) kể cho nghe, đó là vào khoảng năm 1947, bên cạnh nhà bà có 1 người hàng xóm tên là ông Ké, ngoài ông Ké còn có khoảng gần 20 người nữa chuyển về sinh sống. Họ cũng sinh hoạt như các gia đình khác ở Tỉn Keo và thường xuyên giúp đỡ gia đình bà.
Ngày ấy, thỉnh thoảng bà bắt gặp ông Ké đi dạo quanh khu vườn, nhìn khoan thai như một ông bụt vậy. Ngày ông chuyển đi, ông Ké dặn dò bà Tôm thỉnh thoảng sang trông nhà cho ông.
Theo lời bà Tôm kể lại, khi ấy gia đình bà đã rất bịn rịn với những người hàng xóm tốt bụng này. Bà thường xuyên sang dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn cây.
Mãi sau này bà mới biết ông Ké, chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc ta, bà càng thêm kính yêu Vị Cha già vĩ đại của dân tộc.
Dừng chân ở đồi Khau Tý
Không chỉ riêng người dân ở đồi Tỉn Keo, người dân khắp các vùng ATK Định Hóa luôn nhớ về Bác. Tại di tích Khau Tý thuộc xóm Nà Tra, xã Điềm Mạc, huyện Định Hóa, chúng tôi may mắn gặp ông Trần Văn Thấm, bảo vệ của di tích gần 30 năm nay.
Ông Trần Văn Thấm kể, mặc dù ông không được trực tiếp gặp Bác Hồ khi ở đồi Khau Tý, nhưng những câu chuyện của Người với đồng bào thôn Nà Tra thì không bao giờ phai nhạt. Những người già vẫn thường kể cho con cháu nghe, với niềm tự hào khi đây là vùng đất được Vị Lãnh tụ vĩ đại chọn làm nơi đặt căn cứ địa trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sở dĩ Bác chọn nơi đây làm căn cứ vì vùng đất này có vị trí quan trọng. Từ nơi đây có con đường mòn đi huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), xuống các huyện Đại Từ, lên Chợ Đồn, ra Phú Lương (Thái Nguyên) và nhiều đường tắt đi lại kín đáo, thuận tiện. Tại di tích này vẫn còn căn lán ở của Bác, trong thời gian ở đây Bác đã viết bài thơ “Cảnh Khuya” nổi tiếng.
Ông Thấm cho biết thêm, mặc dù Bác chỉ ở lại Khau Tý làm việc không lâu (khoảng 6 tháng), nhưng hình ảnh của Người mãi mãi in đậm trong lòng đồng bào nơi đây. Ngay khi Bác chuyển đi được hơn 1 năm, nhiều người dân trong vùng (trong đó có bố ông Thấm là cụ Trần Văn Mai) đã tình nguyện sửa chữa và trông coi căn lán Bác ở. Vì thế, khi quy hoạch lại di tích này, người dân vẫn giữ được ngôi nhà sàn gần như nguyên vẹn.
Không riêng những người già như ông Hoa, ông Thấm, các thế hệ trẻ của Định Hóa hôm nay vẫn luôn hướng về Bác, với tấm lòng thành kính nhất. Em Ma Thị Nhung, học sinh trường THPT Định Hóa bộc bạch: Ngay từ khi còn học tiểu học, chúng em đã được học về ông Ké. Em cũng được ông bà kể ông Ké chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người nhiều năm ở Định Hóa quê mình.
"Nghe ông bà kể những câu chuyện thực tế ấy, em càng thêm kính trọng và biết ơn Bác, đã mang lại độc lập, tự do cho đất nước, hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân. Nhờ có Bác mà chúng em có được cuộc sống hôm nay. Chúng em tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cách mạng. Chúng em mong muốn sau này có thể làm nhiều việc để góp sức xây dựng quê hương”, em Nhung cho biết.