Đất cũ nghề mới
Trong một lần đến thăm trại giống đà điểu ở huyện Ba Vì (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Khiêm (SN 1981) ở xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn đã bị thu hút bởi giống gia cầm to lớn này. Với suy nghĩ quê mình đồng đất rộng, có thể phát triển mô hình kinh tế mới, đầu năm 2019, anh Khiêm bàn với vợ đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi đà điểu.
Ban đầu do chưa có kỹ thuật chăm sóc anh chỉ mua 50 con giống, giá 2,2 triệu đồng/con về nuôi. Qua quá trình chăm sóc, anh nhận thấy: Đà điểu có sức đề kháng tốt, hầu như không có bệnh. Chuồng nuôi chỉ cần đổ cát làm nền và được dọn sạch thường xuyên.
Thức ăn chủ yếu của đà điểu là cỏ voi, rau, củ và các loại hạt ngũ cốc… Sau 10 tháng nuôi, từ con giống ban đầu khoảng 1,5 kg, đà điểu đạt trọng lượng khoảng 90 - 100 kg/con và được xuất bán.
Gia đình anh Khiêm bán lứa đầu tiên (chủ yếu cho trại giống bao tiêu đầu ra), trừ các loại chi phí thu lãi bình quân 3 triệu đồng/con. Nhận thấy nuôi đà điểu không khó, sản phẩm đầu ra thuận lợi nên năm 2020 và 2021, gia đình anh tăng đàn lên 100 con/lứa, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Với nguồn thức ăn gần 7 sào cỏ voi nuôi đà điểu, năm 2021, vợ chồng anh tiếp tục đầu tư 100 triệu đồng xây dựng chuồng vỗ béo 100 con dê thương phẩm/lứa, xuất bán cho các quán ăn, nhà hàng ở trong và ngoài tỉnh. Theo kinh nghiệm của anh Khiêm, việc vỗ béo dê thương phẩm quan trọng nhất là lựa chọn được con giống tốt.
Dê mua về chuồng nuôi vỗ béo là loại dê nhỡ, có trọng lượng khoảng 25 kg/con. Sau khoảng 3 tháng nuôi, trọng lượng mỗi con tăng lên từ 15 - 20 kg là được xuất bán. Mỗi con cho lãi từ 900 nghìn đến 1 triệu đồng.
Còn tại xã Đông Phú, huyện Lục Nam, anh Trịnh Văn Hoàn (SN 1990) lại được biết đến là người lập nghiệp thành công với mô hình chiết xuất tinh dầu từ phụ phẩm nông nghiệp thu về tiền tỷ mỗi năm.
Trước đây, có dịp du lịch sang Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ…, anh Hoàn được giới thiệu về tinh dầu, thấy người dân địa phương, du khách rất ưa chuộng vì công dụng đối với sức khỏe và làm đẹp. Lúc ấy, anh chợt nhớ những cánh đồng ở quê vứt đầy lá sả sau khi thu hoạch củ hay những đám khói trắng bay nghi ngút do đốt lá bạch đàn... Chợt nghĩ, nếu nông dân biết tận dụng phế phẩm nông nghiệp như ở nước ngoài, thì hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Chàng trai trẻ đã nuôi chí làm giàu, ấp ủ ước mơ mở một cơ sở chuyên chiết xuất tinh dầu.
Năm 2016, anh Hoàn tự tin bắt tay vào làm tinh dầu. Được sự khích lệ, ủng hộ từ gia đình, chàng thanh niên quyết định mua dàn máy chuyên dụng trị giá gần 300 triệu đồng. Sau 6 tháng sử dụng, thiết bị này không phù hợp, chỉ dùng điều chế được một loại nguyên liệu, thời gian cho ra thành phẩm lâu, không giữ nguyên mùi hương tự nhiên ban đầu.
Đây là “cú ngã” đầu tiên trong quá trình khởi nghiệp của anh. Số tiền đầu tư khá lớn mà giờ chỉ đem “bán sắt vụn”. Cạn vốn, nhưng đam mê, hoài bão của tuổi trẻ vẫn cháy bỏng, anh Hoàn làm đơn vay 200 triệu đồng từ Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” của địa phương, quyết tâm làm lại từ đầu.
Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước, anh lên mạng mày mò cách thiết kế, làm lò hơi sản xuất. Sau nhiều tháng nghiên cứu, thử nghiệm, chiếc lò chưng cất đúng ý đã ra đời.
Hệ thống này nấu được đa dạng từ củ, rễ, thân, hoa, lá…, cho ra những loại dầu nổi hoặc dầu chìm. Từ đó, quy trình sản xuất trở nên đơn giản, tiết kiệm chi phí. Sau khi chưng cất, bã thừa có thể tái tạo thành chất đốt.
Ban đầu chỉ có 2 loại tinh dầu là sả và bạch đàn, đến nay, cơ sở của anh Hoàn đã chiết xuất thành công gần 20 loại tinh dầu khác nhau. Anh đặc biệt tâm đắc với nhóm tinh dầu gỗ quý, gồm 5 sản phẩm: Long não, ngọc am, bách xanh, gù hương, pơ mu. Nhóm này ngoài tác dụng trị liệu còn dùng thay thế nước hoa.
Từ thành công trong chiết xuất, anh Hoàn thuê hơn 20 ha đất mở trang trại trồng cây ngắn ngày như sả, tỏi, hương nhu, bạc hà, húng quế, ngải cứu... Trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh hợp tác với 30 hộ dân trồng hàng trăm ha rừng long não, đàn hương, trầm hương. Việc này vừa giúp bà con phát triển kinh tế, bảo vệ rừng, chống xói mòn, cũng là giải pháp lâu dài về nguồn cung nguyên liệu trong tương lai.
Đồng hành trên con đường “lập thân, lập nghiệp”
Để đồng hành với thanh niên DTTS trên con đường “lập thân, lập nghiệp”, các cấp bộ Đoàn, Hội tỉnh Bắc Giang đã tích cực chăm lo, hỗ trợ thanh niên DTTS phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng. Một trong những hoạt động mang lại hiệu cao là Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Ra đời năm 2017, do Tỉnh đoàn Bắc Giang tổ chức, với chủ đề khởi nghiệp dành cho đối tượng là đoàn viên, thanh niên, sinh viên và học sinh trong tỉnh. Đến nay, Cuộc thi đã trở thành hoạt động thường niên
Anh Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang: "Qua Cuộc thi, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn mong muốn chọn ra những đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên có dự án khởi nghiệp xuất sắc để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, giúp thanh niên tự tin trên bước đường làm giàu chính đáng".
Được biết, những ý tưởng, sản phẩm đoạt giải Cuộc thi khởi nghiệp tổ chức trong những năm qua phần lớn đang phát triển tốt. Có thể kể đến như: Ý tưởng “Sức sống mới từ gỗ tái chế” của tác giả Lương Văn Tuấn ở thôn Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì, Tp. Bắc Giang; sản phẩm “Rượu ngô men lá Lộc Sơn” của tác giả Nguyễn Thị Kim Dung, xã Tam Tiến (Yên Thế); sản phẩm "Xe lăn điện cho người khuyết tật, người già" của tác giả Phùng Thanh Tuyên, xã An Thượng (Yên Thế)...
Mỗi ý tưởng, mô hình đã được Tỉnh đoàn cho vay 100 triệu đồng từ nguồn Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên Bắc Giang khởi nghiệp để đầu tư vào sản xuất, mở rộng thị trường.