Phát huy lợi thế tự nhiên
Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng (DLCĐ). Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp, với những điểm du lịch hấp dẫn như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi, đồng thời là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với nhiều di sản có giá trị được lưu giữ, bảo tồn.
Huyện sở hữu vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, với diện tích hơn 28.00 ha. Nếu như trước đây, du khách thường đến Lục Ngạn vào mùa vải thiều, thì nay có thể tham quan, vãn cảnh quanh năm.
Huyện vùng cao Sơn Động (Bắc Giang) có những cánh rừng nguyên sinh Khe Rỗ, cao nguyên Đồng Cao, thác Ba Tia, Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử đang là điểm đến mới lạ, hấp dẫn du khách. Năm 2020, điểm du lịch Nà Ó (xã An Lạc) được UBND tỉnh công nhận là điểm DLCĐ.
Ông Vũ Ngọc Huân, Giám đốc HTX Dịch vụ DLCĐ An Lạc cho biết, đơn vị có các tổ: Thuốc Nam, hát then, vệ sinh môi trường, lưu trú, hướng dẫn viên (mỗi tổ 5 - 7 thành viên là người dân địa phương). Đến đây, ngoài tận hưởng không khí trong lành, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của suối, thác nước, rừng nguyên sinh, du khách được sinh hoạt, giao lưu với người dân, thưởng thức nhiều món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 song lượng khách đến Khe Rỗ đạt khoảng 20.000 người.
Từ nay đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sẽ có 11 điểm du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp nông thôn được công nhận.
Tương tự ở bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang), thời điểm trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện dịch Covid-19, nhiều du khách đến trải nghiệm hái, sao chè, ngắm cây lim ngàn tuổi, khám phá hồ Ngạc Hai, thưởng thức món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc Cao Lan. Xuân Lương được đánh giá có tiềm năng nhất của huyện Yên Thế để phát triển DLCĐ.
Cũng như Nà Ó, điểm DLCĐ bản Ven có rất nhiều đoàn khách đến khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu đời sống sinh hoạt, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan. Hiện nay, tại bản Ven đã có HTX Thân Trường và một số hộ dân đầu tư nhà sàn, tổ chức đón tiếp khách, giới thiệu các sản vật độc đáo của địa phương.
Xây dựng sản phẩm đặc thù
Phát triển du lịch “xanh” thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan, doanh nghiệp và người dân, bước đầu tạo sức hút đối với du khách song còn chưa tương xứng với tiềm năng. Ở các khu, điểm du lịch như: Khe Rỗ, bản Ven, Suối Mỡ (huyện Lục Nam)... thiếu sản phẩm du lịch đặc thù nên chưa thực sự hấp dẫn du khách.
Mặt khác, nguồn nhân lực làm du lịch còn hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao. Công tác quản lý nhà nước, ý thức bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân ở một số nơi chưa tốt. Vẫn còn tình trạng người dân, du khách ở các khu, điểm du lịch xả rác gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan.
Du lịch “xanh” nếu được tập trung khai thác tốt sẽ có khả năng phát triển mang tính bền vững, không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên môi trường, sinh thái mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Nhìn sang tỉnh bạn, như: Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai những năm gần đây, du lịch “xanh” được các địa phương này quan tâm khai thác, hình thành những điểm đến nổi tiếng, đem lại nguồn thu đáng kể từ các dịch vụ du lịch, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH ở các vùng, miền.
Để du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, DLCĐ phát triển bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Một trong những vấn đề cốt lõi, đó là cần nâng cao nhận thức đối với nhà quản lý, doanh nghiệp, các ngành liên quan và cộng đồng dân cư về tầm quan trọng của phát triển loại hình du lịch này.
Từ đó, triển khai thành hành động cụ thể trong việc quy hoạch, thẩm định, thực hiện các dự án đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch ở mỗi địa phương.
Các đề án, chương trình, kế hoạch cần được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu cơ bản có định hướng về tài nguyên du lịch tự nhiên đặc thù, tránh tác động xấu đến môi trường, đặc biệt chú trọng khai thác giá trị di sản gắn với văn hóa bản địa, truyền thống các vùng, miền, làng quê và quá trình xây dựng nông thôn mới.
Trong kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, từ nay đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ có 11 điểm DLCĐ gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp nông thôn được công nhận. Tập trung xây dựng hiệu quả đề án phát triển DLCĐ tại các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Việt Yên và Yên Thế.
Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, bám sát kế hoạch của tỉnh, huyện đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; trọng tâm là xây dựng 2 không gian du lịch chính gồm khu vực hồ Cấm Sơn và vùng cây ăn quả, đồng thời bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng tại làng cổ Bắc Hoa, xã Tân Sơn.
Huyện Lục Nam đang nghiên cứu, đề xuất mở rộng, nâng cấp quần thể Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, kết nối các tour, tuyến du lịch sinh thái kết hợp tâm linh; xây dựng các HTX dịch vụ DLCĐ; phát triển các làng nghề truyền thống, tạo ra những sản phẩm văn hóa, lưu niệm, đặc trưng vùng miền như: Dệt thổ cẩm, mật ong rừng, trà hoa vàng...
UBND tỉnh cũng chỉ đạo triển khai các bước thu hút đầu tư tại Khuôn Thần (Lục Ngạn); đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Khe Hang Dầu (huyện Yên Dũng); quy hoạch khu du lịch rừng Sơn Động gắn với du lịch biển Hạ Long. Tạo tác các vườn hoa đặc sắc theo chủ đề, theo mùa quanh năm tại TP. Bắc Giang, thị trấn Tây Yên Tử (huyện Sơn Động) và một số khu, điểm du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch, đồng thời bảo đảm cảnh quan, bảo vệ môi trường.
Ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Ngoài phối hợp với các địa phương, ngành liên quan trong công tác quảng bá, tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm du lịch, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cơ quan liên quan thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm xây dựng Đề án phát triển DLCĐ và Đề án phục dựng “Con đường Hoằng Dương phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”, giai đoạn 2021 - 2030.
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, các địa phương, ngành liên quan cùng sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, cộng đồng sẽ tạo đòn bẩy cho du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, DLCĐ phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH chung của tỉnh./.