Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bắc Giang: Đẩy mạnh các giải pháp bình đẳng giới

Vân Khánh - 16:15, 20/04/2023

Tỉnh Bắc Giang đã và đang hoàn thiện các điều kiện để triển khai Dự án 8 - “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ 2021 - 2025.

Khám sức khỏe cho phụ nữ mang thai tại Trạm Y tế xã Đồng Vương (huyện Yên Thế)
Khám sức khỏe cho phụ nữ mang thai tại Trạm Y tế xã Đồng Vương (huyện Yên Thế)

Rào cản định kiến giới

Trong những năm qua, mặc dù vai trò người phụ nữ đã được  các cấp, các ngành quyết tâm thúc đẩy bình đẳng giới và từng bước được nâng cao, nhưng tư tưởng “trọng nam” vẫn tồn tại dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới trong lĩnh vực dân số rất đáng báo động.

Tại Bắc Giang, là tỉnh miền núi có 9 huyện, 1 thành phố, trong đó có 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao. Dân số toàn tỉnh Bắc Giang là hơn 1.803.000 người. Trong đó, người DTTS là 257.258 người, chiếm 14,26% tổng dân số cả tỉnh.

Theo đánh giá của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), nhiều năm trở lại đây, tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh, sinh con thứ ba trên địa bàn tỉnh Bắc Giang luôn ở mức cao. Trong thời gian dài, Bắc Giang chưa kiểm soát được tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.

Theo bà Lê Thị Tố Quyên, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, tình trạng này diễn ra từ nhiều năm trên địa bàn tỉnh, trước khi mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra trên toàn quốc (từ năm 2006) và luôn cao hơn bình quân chung cả nước. Tính đến tháng 7/2020, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh toàn tỉnh là 117,5 nam/100 nữ, giảm nhẹ so với năm 2019 (118,4 nam/100 nữ). Số trẻ sinh lần 3 liên tục tăng trong những năm gần đây, hiện chiếm 17%. Một số huyện có mức chênh lệch cao: Yên Dũng (134 nam/100 nữ); Lạng Giang (119,8 nam/100 nữ); Lục Nam (117,8 nam/100 nữ), Tân Yên (113,4 nam/100 nữ)...

Mặc dù pháp luật nghiêm cấm các hình thức chọn lọc, chẩn đoán để thông báo giới tính hoặc phá thai vì lý do giới tính, thế nhưng ngày nay, hầu hết các bà mẹ đều biết rõ mình sẽ sinh con trai hay con gái trước ngày lâm bồn.

Nhiều phụ nữ bất chấp nguy cơ liên quan đến tính mạng, sức khỏe vẫn chủ động mang thai khi cao tuổi, mang thai nhiều lần cho đến khi có được con trai. Mới đây, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang cứu sống trường hợp sản phụ Vũ Th L., phường Lê Lợi (Tp. Bắc Giang) bị băng huyết nguy kịch sau khi sinh bé trai thứ 3. Trước đó, sản phụ đã mổ đẻ 2 lần và được bác sĩ sản khoa khuyến cáo không nên sinh lần 3.

Hay có sản phụ cố sinh thêm lần 3 nhưng chưa lường hết những tai biến nguy hiểm đã dẫn đến tử vong mẹ như trường hợp của chị Nông Thị Ng., xã Yên Định, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang chết do băng huyết gây suy đa tạng sau sinh.

Thay đổi quan niệm, phá bỏ rào cản

Để tháo gỡ vấn đề mất cân bằng giới tính, nhiệm vụ cấp bách được tỉnh Bắc Giang xác định là thúc đẩy các giải pháp bình đẳng giới. Trước mắt, mỗi tổ chức, cá nhân cần thay đổi quan niệm, định kiến giới, tích cực phòng, chống bạo lực gia đình.

Đoàn truyền thông tuyên truyền hưởng ứng chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Đoàn truyền thông tuyên truyền hưởng ứng chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Về vấn đề này, bà Lê Tố Quyên cho biết: Trong kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dân số, tỉnh Bắc Giang đề ra mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu tốc độ gia tăng chênh lệch giới tính khi sinh, dần đưa về mức cân bằng tự nhiên.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo bà Lê Tố Quyên, nhất thiết mỗi thành viên gia đình cần tôn trọng quyền cá nhân, chia sẻ, giúp đỡ nhau công việc gia đình, nuôi dạy con cái, xây dựng tổ ấm. Hơn hết, nam giới nêu cao trách nhiệm hợp tác thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình; hiểu rõ tác hại của việc phá thai và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục để phòng tránh hiệu quả.

Về lâu dài, để phá bỏ định kiến giới, phụ nữ cần tự khẳng định vị thế, vai trò của mình trong xã hội. Mỗi tổ chức, cá nhân khi thực hiện chính sách cần công bằng về quyền lợi, nghĩa vụ, phân công lao động, cơ hội việc làm, thăng tiến, tiền lương, thu nhập giữa nam và nữ.

Thời gian tới, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình nhằm nêu cao vai trò của phụ nữ, thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái. Qua đó góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho các tầng lớp Nhân dân và hành động công bằng ngay từ ý thức của chính mình khi quan niệm về quyền lợi giữa nam giới và nữ giới.

Đặc biệt, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ 2021 - 2025, tỉnh Bắc Giang đã và đang hoàn thiện các điều kiện để triển khai Dự án 8 - “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” .

Để triển khai hiệu quả, một trong những giải pháp của tỉnh là sử dụng hợp lý nguồn lực Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và vận động nguồn lực xã hội hóa.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.