Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 88,72 triệu ca mắc và hơn 1,04 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 13.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Khoảng 33% trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở Mỹ hiện nay xuất phát từ các chủng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Điều này đang khiến hai biến thể phụ này có thể trở thành chủ đạo tại Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính rằng, 11,4% và 23,5% các trường hợp mắc COVID-19 ở Mỹ lần lượt là do các biến phụ BA.4 và BA.5 gây ra. Dữ liệu ban đầu cũng cho thấy những biến thể phụ này thoát khỏi khả năng miễn dịch hiệu quả hơn so với các biến thể trước đó của SARS-CoV-2.
Sự xuất hiện của hai biến phụ này là dấu hiệu cho thấy, virus SARS-CoV-2 đang tiến hóa để trở nên kém nhạy cảm hơn với các kháng thể. Trong khi đó, biến phụ BA.2.12.1 là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng gần đây trong các trường hợp mắc COVID-19 và hiện đang chiếm tới 56% ca mắc tại nước này.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 25/6, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,39 triệu người mắc COVID-19, bao gồm gần 525.000trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 670.300 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 32 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Ước tính khoảng 1,7 triệu người ở Anh đã nhiễm COVID-19 trong tuần qua, tăng 23% so với 1,4 triệu của tuần trước đó, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết.
Số ca mắc mới COVID-19 đang tiếp tục tăng ở tất cả 4 quốc gia thuộc Vương quốc Anh, trong đó sự gia tăng có thể do các trường hợp lây nhiễm tương thích với những biến thể phụ của Omicron BA.4 và BA.5. Đây là con số cao nhất về tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Anh kể từ cuối tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng kỷ lục 4,9 triệu trường hợp vào cuối tháng 3.
Chủng phụ BA.5 của Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo gây bệnh COVID-19 tại Đức, chiếm khoảng một nửa số ca mắc mới ở nước này. Số ca mắc hàng ngày tại Đức tiếp tục tăng với hơn 100.000 trường hợp ghi nhận trong ngày 24/6.
Với sự lây lan của biến thể BA.5, Đức ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 gia tăng trở lại. Bộ trưởng Bộ Y tế Đức đang ủng hộ đề nghị của các chuyên gia y tế về việc tiêm vaccine và tiêm mũi tăng cường cho 40 triệu người ở nước này trước mùa đông. Theo số liệu chính thức, khoảng 85% trong tổng số 69 triệu người từ 18 tuổi trở lên ở Đức đã tiêm các mũi vaccine cơ bản phòng COVID-19, gần 72% đã tiêm một mũi tăng cường, trong khi 8% đã tiêm 2 mũi tăng cường.
Bộ trưởng Bộ Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach thông báo, nước này sẽ chấm dứt việc xét nghiệm nhanh sàng lọc COVID-19 miễn phí từ cuối tháng 6 này do ngân sách eo hẹp. Hiện việc xét nghiệm nhanh đối với COVID-19 vẫn được miễn phí, nhưng điều này sẽ thay đổi từ ngày 30/6 tới. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Lauterbach cho biết, do tình hình ngân sách khó khăn nên mỗi trường hợp xét nghiệm nhanh sẽ bị tính phí 3 Euro (3,16 USD), ngoại trừ các nhóm nguy cơ. Dự kiến, nhóm nguy cơ này sẽ vẫn được xét nghiệm nhanh miễn phí qua mùa hè.
Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI), tỷ lệ mắc COVID-19 trung bình trong 7 ngày/100.000 dân ở Đức hiện là 618,2, tăng mạnh so với mức 532,9 được công bố một ngày trước đó, cũng như 427,8 của tuần trước và 307,2 trong tháng 5. Hiện số ca mắc COVID-19 đang ngày một tăng ở Đức, trong đó nhiều trường hợp bùng phát ở các viện dưỡng lão và số ca phải chăm sóc đặc biệt cũng tăng trở lại. Nguyên nhân là do các dòng phụ dễ lây lan của biến thể Omicron đang trở nên phổ biến ở Đức.
Hy Lạp thông báo tiêm liều vaccine ngừa COVID-1 9 tăng cường thứ 2 cho người từ 30 tuổi trở lên bắt đầu từ tuần tới. Theo hãng Thông tấn quốc gia Hy Lạp AMNA, cơ quan tiêm vaccine nước này tái khẳng định khuyến cáo mạnh mẽ rằng những người từ 60 tuổi trở lên nên tiêm liều tăng cường thứ 2. Nhóm người này có thể tiêm liều tăng cường thứ 2 từ đầu tháng 4.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng trong tháng 6. Bộ trưởng Bộ Y tế Hy Lạp Thanos Plevris cho biết, hệ thống y tế quốc gia dự kiến vẫn đủ công suất điều trị các bệnh nhân COVID-19 cho đến cuối mùa hè.
Singapore tiếp tục nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID-19 đối với lao động nhập cư. Theo đó, các lao động nhập cư tại Singapore không còn phải xuất trình giấy phép đặc biệt mới được rời khỏi ký túc xá. Như vậy, những lao động nhập cư được tuyển dụng làm việc trong các ngành như xây dựng và bảo dưỡng tại Singapore sẽ không còn cần thẻ thông hành.
Tuy nhiên, nhà chức trách Singapore vẫn yêu cầu những lao động này phải xin giấy phép đến 4 địa điểm nổi tiếng vào các ngày Chủ nhật và các ngày nghỉ lễ. Biện pháp này nhằm kiểm soát đi lại của các lao động nhập cư tại những khu vực nói trên, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh vì đại dịch vẫn chưa chấm dứt.
Đối với hầu hết người dân Singapore, các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt để phòng chống dịch chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, nhưng phần lớn lao động nhập cư vẫn phải tuân thủ các biện pháp này, ngoại trừ khi đi làm hay đi mua những đồ thiết yếu.
Ngày 25/6, thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) thông báo sẽ mở cửa trở lại trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại thành phố này đang giảm dần. Cụ thể, học sinh năm đầu và năm thứ hai của trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, học sinh tiểu học cơ sở ở Bắc Kinh sẽ trở lại trường vào ngày 27/6, trong khi trường mẫu giáo sẽ mở cửa trở lại vào ngày 4/7. Những học sinh vẫn ở trong vùng dịch sẽ tiếp tục học online tại nhà.
Bắc Kinh gần đây liên tục ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 ở mức thấp, với chỉ 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng trong ngày 24/6.
Trong khi đó, chính quyền Thượng Hải tuyên bố chiến thắng COVID-19 sau khi thành phố báo cáo không ghi nhận trường hợp mắc mới tại địa phương lần đầu tiên trong hai tháng qua. Thành phố Thượng Hải - trung tâm kinh tế của Trung Quốc - đã buộc phải áp dụng lệnh phong tỏa trong nhiều tháng khi biến thể Omicron lây lan nhanh, khiến dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào mùa Xuân.
Tuy nhiên, xu hướng lây nhiễm đã chậm lại trong những ngày gần đây. Trong thông báo ngày 25/6, chính quyền Thượng Hải xác nhận, thành phố này không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới nào trong cộng đồng hay bất kỳ ca nhiễm mới không triệu chứng nào.
Ngày 25/6, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, trong 24 giờ qua, Triều Tiên đã ghi nhận thêm hơn 9.610 ca sốt, 12.050 trường hợp phục hồi. Đây là lần đầu tiên số ca sốt mới theo ngày tại Triều Tiên xuống dưới 10.000 ca kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.
Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh khẩn cấp quốc gia Triều Tiên, kể từ cuối tháng 4, nước này ghi nhận tổng cộng hơn 4.706.190 ca sốt, trong đó có 4.688.810 người phục hồi (chiếm tỷ lệ 99,63%) và ít nhất 71.300 người đang điều trị (0,368%).
Nhiều khả năng các loại vaccine ngừa COVID-19 ra mắt vào mùa thu năm nay sẽ nhắm vào biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 thay vì chủng gốc. Hiện các công ty công nghệ sinh học như Moderna, Pfizer và Novavax đang thử nghiệm các loại vaccine được phát triển dựa trên BA.1, biến thể phụ đầu tiên của Omicron bùng phát vào mùa đông năm 2021.
Moderna mới đây cho biết, phiên bản cập nhật của vaccine ngừa COVID-19 của hãng đã cho thấy hiệu quả chống lại các biến thể phụ lưu hành gần đây của Omicron. Trong khi đó, Novavax đã thử nghiệm các vaccine dựa trên biến thể Omicron từ cuối tháng 5. Pfizer-BioNTech cũng đang thử nghiệm các loại vaccine tương tự nhưng chưa công bố dữ liệu chính thức.