Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

"Ba nhà" vào cuộc làm nên thương hiệu gạo Phú Thiện

Thùy Dung - 17:09, 09/04/2021

Tận dụng lợi thế, tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu và hệ thống kênh mương thủy lợi Ayun Hạ, huyện Phú Thiện (Gia Lai) đã tập trung sản xuất lúa gạo chất lượng cao nhằm giúp người dân tăng năng suất, cải thiện thu nhập.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai cùng người dân đi kiểm tra chất lượng lúa trên địa bàn.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai cùng người dân đi kiểm tra chất lượng lúa trên địa bàn.

Thay đổi tư duy sản xuất

Toàn huyện Phú Thiện hiện có 26.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu là đất lúa nước 2 vụ với hơn 6.000 ha phân bố trên 10 xã, thị trấn và là vựa lúa lớn của Tây Nguyên. Nhiều năm qua, các cấp chính quyền huyện Phú Thiện đã triển khai các biện pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện. Từ đó, giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, tăng năng suất, cải thiện, nâng cao thu nhập.

Theo đó, HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) được tỉnh Gia Lai chọn làm HTX điểm và chịu trách nhiệm tìm nguồn giống lúa chất lượng cao để sản xuất, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhãn hiệu gạo Phú Thiện. Khi người dân tham gia vào HTX sẽ được nhiều lợi ích như: HTX cung ứng giống, vật tư đầu vào không tính lãi; được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa và  thu mua lúa với giá cao hơn thị trường.

Ông Phạm Ngọc Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai cho biết: HTX hiện có 74 thành viên, trong đó có 21 người là đồng bào DTTS. Hiện nay, HTX đang thực hiện cánh đồng mẫu lớn sản xuất gạo chất lượng cao với diện tích 140ha/230 ha. Ngoài ra, HTX cũng đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp lớn để cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… và thu mua lúa cho bà con.

Sản phẩm gạo Phú Thiện được người tiêu dùng ưa chuộng
Sản phẩm gạo Phú Thiện được người tiêu dùng ưa chuộng

Ông Ksor Jun (làng Glung Mơ Lan, xã Ia Ake), thành viên HTX Nông nghiệp Chư A Thai cho biết: Trước đây, nhà mình chỉ biết trồng lúa theo phương pháp truyền thống chứ không biết áp dụng khoa học-kỹ thuật nên năng suất kém. Từ ngày tham gia vào HTX Nông nghiệp Chư A Thai, mình được tập huấn để áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng lúa cao hơn. Với tổng diện tích hơn 1,5 ha, mình được HTX hỗ trợ 70% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, 100% giống lúa. Nếu là trước đây, mình chỉ thu được 8 tạ lúa/sào, thì nay năng suất đạt trên 1 tấn/sào.

Nâng cao chất lượng gạo

Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Thiện cho biết: Thời gian qua, huyện đã đưa  nhiều giống lúa chất lượng cao vào sản xuất thí điểm và nhân rộng trên địa bàn. Trong đó giống lúa J02, LH12, TPR25 đã tạo nên nhãn hiệu gạo Phú Thiện  và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp giấy chứng nhận năm 2019. Đến nay lúa  J02, LH12, TPR225 cũng được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOOP 4 sao.

“Huyện cũng có những chính sách để phát triển lúa trên địa bàn, thông qua hỗ trợ giống gắn với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP, ISO9001,… và cánh đồng lớn. Diện tích cánh đồng lớn được duy trì hàng vụ là 1.200 ha/10 xã, thị trấn. Huyện cũng quan tâm hỗ trợ các HTX về quy trình sản xuất, chế biến, đóng bao, truy xuất nguồn gốc cho HTX Nông nghiệp Chư A Thai… Đồng thời xây dựng đề án sản xuất giống lúa có chất lượng phục vụ cho địa phương phát triển thương hiệu gạo”, ông Thành cho biết thêm.

Quy trình sàng lọc lúa giống và sản xuất gạo chất lượng cao tại Nhà máy chế biến lúa gạo HTX Nông nghiệp Chư A Thai.
Quy trình sàng lọc lúa giống và sản xuất gạo chất lượng cao tại Nhà máy chế biến lúa gạo HTX Nông nghiệp Chư A Thai.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch huyện Phú Thiện cho biết: Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Phú Thiện đã tập trung chỉ đạo xây dựng những cánh đồng lớn; tập trung lựa chọn 1 số loại giống năng suất và chất lượng cao để đưa vào sản xuất trên địa bàn. Phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng các loại giống và thực hiện chế biến, bao tiêu sản phẩm để giải quyết đầu ra cho người dân.

Theo đó, thời gian tới, huyện Phú Thiện sẽ hướng tới sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao gắn với các giống đặc sản để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.