Một nhóm nghiên cứu của Australia do trường Đại học Monash ở thành phố Melbourne dẫn đầu đã phân lập được một loại Enzyme có thể biến một lượng nhỏ hydro có trong không khí thành dòng điện.
Nghiên cứu cho biết loại Enzyme nói trên có tên Huc, được phân lập từ loại vi khuẩn Mycobacterium smegmatis phổ biến trong đất.
Giáo sư Chris Greening tại Viện Khám phá Y sinh của Đại học Monash, cho biết: “Từ lâu, chúng ta đã biết rằng vi khuẩn có thể sử dụng lượng nhỏ Hydro trong không khí làm nguồn năng lượng để phát triển và tồn tại, bao gồm cả trong đất ở Nam Cực, miệng núi lửa và sâu trong đại dương”.
Tuy nhiên, chỉ những thiết bị nhỏ - như điện thoại thông minh hoặc đồng hồ - mới có thể được cung cấp năng lượng theo cách này vì có rất ít hydro trong không khí - chỉ 0,00005%. Các vật thể lớn hơn sẽ cần một nguồn hydro bên ngoài để tăng thêm năng lượng.
Các tác giả của nghiên cứu cho rằng vi khuẩn sản xuất các Enzym như Huc rất phổ biến và có thể được nuôi cấy với số lượng lớn. Họ đang đặt mục tiêu sản xuất Huc với số lượng đủ để sử dụng trong công nghiệp, nhằm phát triển hơn nữa công nghệ “pin không khí” và ứng dụng trong thực tế.
Phát minh mới này hứa hẹn sẽ tạo ra nguồn năng lượng tái tạo cho các thiết bị nhỏ, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và lạm phát gia tăng do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng hơn khi thế giới đang tìm kiếm những cách thức sáng tạo khác nhau nhằm tránh xa việc tiêu thụ các nhiên liệu hóa thạch và hướng tới các nguồn năng lượng không bị carbon hóa.
Trong khi các công nghệ có sẵn như năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang được mở rộng quy mô, chúng lại bị hạn chế bởi sự không ổn định về tần suất - nơi chúng không thể tạo ra năng lượng liên tục hoặc theo yêu cầu cho sẵn trước đó. Từ đây, một thiết bị tạo năng lượng dựa trên Enzyme có thể được bật tắt theo ý muốn, giống như một máy phát điện có thể là cơ hội tiềm năng cho con người trong tương lai./.