Trước đây, với 300 m2 đất vườn, gia đình anh Đỗ Minh Đông ở bản Liên Hà 2, xã Bảo Hà huyện Bảo Yên (Lào Cai) chủ yếu trồng rau màu. Tuy nhiên, do trồng theo lối canh tác cũ nên sản lượng thu hoạch thấp, chi phí cho trồng trọt như phân, thuốc trừ sâu khá cao nên thu nhập từ diện tích đất vườn thấp. Từ khi áp dụng công nghệ mới vào canh tác, rau, củ, quả được anh Đông trồng trong nhà lưới. Hệ thống tưới nhỏ giọt, bảo đảm cung cấp đủ nước và dinh dưỡng giúp cây phát triển tốt. Nhờ đó, vườn rau trồng trong nhà lưới của gia đình anh Đông lúc nào cũng xanh tươi và cho nhiều củ, quả. Với cùng diện tích canh tác nhưng thu nhập từ bán sản phẩm cao gấp đôi, thậm chí là gấp ba so với trước đây.
“Trồng rau trong nhà lưới giúp tôi quản lý được sâu bệnh, tất cả các loại sâu bệnh do ong bướm đẻ ra là không có. Trước khi trồng, tôi xử lý đất trồng rất kỹ, vì vậy nên ngay từ ban đầu mình đã cơ bản triệt được các mầm sâu bệnh. Bên cạnh đó, trồng rau trong nhà lưới thì không phụ thuộc vào thời tiết, nắng mưa, mình quản lý được lượng nước tưới… Nhờ đó mà sản lượng thu hoạch rất cao so với cách trồng truyền thống trước đây”, anh Đông cho biết.
Huyện Bảo Yên là địa phương có diện tích trồng quế lớn nhất của tỉnh Lào Cai, với gần 24.000 ha. Để cây quế phát triển bền vững, huyện đang chú trọng tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng kỹ thuật trong tất cả các quy trình từ gieo trồng, chăm sóc đến chế biến sâu các sản phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Bí thư Thường trực huyện Bảo Yên thông tin: Hiện nay, địa phương đang áp dụng ứng dụng công nghệ cao ở tất cả các khâu. Thứ nhất là trong tổ chức sản xuất, thì việc thành lập các hợp tác xã, cũng như tổ chức các tổ hội nghề nghiệp của Hội Nông dân, từ đó bảo đảm đầu ra cho nông dân. Thứ hai là, trong qúa trình sản xuất thì tăng cường đưa khoa học - kỹ thuật vào; cùng với đó là thay thế những giống năng suất thấp bằng các giống mới có giá trị kinh tế và năng suất cao hơn...
Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025, sẽ có 36 xã và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh xác định phát triển nông nghiệp chất lượng cao vẫn là lĩnh vực then chốt, cần tập trung nguồn lực đầu tư. Cụ thể, đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt trên 6%/năm; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 16.000 tỷ đồng; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 5,5 - 6%/năm; giá trị sản xuất hàng hóa các mặt hàng chủ lực chiếm khoảng 65% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Tầm nhìn đến năm 2045, nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa Lào Cai đạt quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong nước và xuất khẩu, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản theo hướng hiện đại. Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông thôn từng bước hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn giàu bản sắc dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
“Tỉnh Lào Cai sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ các sản phẩm sạch, sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng cao, gắn với việc phát triển kinh tế đồi rừng để bảo đảm đời sống Nhân dân và thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị…”, ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh.
Phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với xây dựng NTM, vừa là mục tiêu vừa giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa giá trị các sản phẩm trong nông nghiệp. Đây cũng là hướng đi bền vững, tạo động lực để giúp các địa phương tỉnh Lào Cai sớm hiện thực hóa “mục tiêu kép”. Đó là nâng cao thu nhập, từng bước giảm tỉ lệ hộ nghèo và rút ngắn thời gian về đích nông thôn mới nâng cao.
Mời xem tiếp thông tin từ clip...