Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

ASEAN: Vượt qua thách thức, phát huy vai trò trung tâm ở khu vực

PV - 11:16, 26/10/2021

Chiến lược thích ứng với đại dịch Covid-19 trong điều kiện mới cùng truyền thống đoàn kết của ASEAN là chìa khóa để ASEAN giải nguy những thách thức và tiếp tục tiến về phía trước.

Sự tồn tại và phát triển của ASEAN trong gần 55 năm qua chứng kiến không ít những khó khăn nội bộ nhưng các nước ASEAN đã vững vàng vượt qua. (Nguồn: Getty)
Sự tồn tại và phát triển của ASEAN trong gần 55 năm qua chứng kiến không ít những khó khăn nội bộ nhưng các nước ASEAN đã vững vàng vượt qua. (Nguồn: Getty)

Các Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 và các hội nghị liên quan sẽ được tổ chức từ ngày 26-28/10 theo hình thức trực tuyến.

Các hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đang phải ứng phó với nhiều thách thức do biến chủng Delta gây ra và gia tăng của cạnh tranh ảnh hưởng nước lớn. Hợp tác để vượt qua đại dịch Covid-19, tìm tiếng nói chung trong vấn đề Myanmar và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang định hình nằm trong số những trọng tâm của các Hội nghị cấp cao và các hội nghị liên quan tới đây.

Dù đã đạt những tiến bộ nhất định nhưng khoảng cách về nhận thức giữa các bên khiến tiến trình đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) khó có thể hoàn tất trong năm 2021 như dự kiến trước đó.

Thích ứng để phát triển trong điều kiện mới

Dù còn gặp rất nhiều khó khăn do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta nhưng nhờ chiến lược mới nhằm ứng phó với dịch bệnh, kinh tế các nước ASEAN đã có những tín hiệu tích cực so với năm 2020.

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra vào tháng 9, dù được dự báo là sẽ phục hồi với tốc độ chậm hơn nhiều so với dự kiến ​​trước đó do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta, tăng trưởng kinh tế dự kiến của các thành viên ASEAN (ngoại trừ Myanmar) đều ở mức tăng khá so với năm 2020, trong đó dẫn đầu là Singapore với khoảng 7% (với tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hai mũi cho 3/4 dân số) và thấp nhất là Thái Lan với khoảng 0,7%.

Nền kinh tế lớn nhất khu vực là Indonesia cũng được dự đoán có tăng trưởng khá ở mức 4,5%. Các nền kinh tế ASEAN cũng được dự đoán có mức tăng trưởng khá trong năm nay, như Philippines (4,5%), Việt Nam (3,8%), Malaysia (3,3%), Lào (2,3%), Campuchia (1,9%). Riêng Myanmar, do thách thức kép từ đại dịch Covid-19 và khủng hoảng chính trị, ADB dự đoán kinh tế nước này sẽ ở mức âm sâu (-18,1%).

Các nước thành viên ASEAN đang chủ động thích ứng với dịch bệnh thông qua chiến lược đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng, hay ít nhất là giảm tối đa số ca bệnh nặng để từng bước mở cửa, khôi phục sản xuất và lưu thông trong bối cảnh gia tăng nhu cầu toàn cầu.

Do vậy, ASEAN cần tiếp tục tăng cường hợp tác nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài trong việc cung ứng vaccine để tăng tỷ lệ tiêm chủng hay xây dựng cơ chế công nhận hộ chiếu vaccine, trước hết là trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Bao phủ tỷ lệ tiêm vaccine và mở cửa sẽ là những yếu tố mang tính quyết định đối với việc nối lại các chuỗi sản xuất và cung ứng giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài.

Tiếp tục vượt qua những thách thức lịch sử

Sự tồn tại và phát triển của ASEAN trong gần 55 năm qua chứng kiến không ít những khó khăn nội bộ nhưng các nước ASEAN đã vững vàng vượt qua.

Malaysia và Philippines đã đạt được sự thống nhất quanh vấn đề Sabah để Hội nghị cấp cao ASEAN lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1976, 9 năm sau khi ASEAN ra đời. Thách thức chính trị ở Campuchia năm 1997 cũng không thể ngăn được việc ASEAN thống nhất kết nạp nước này vào năm 1999 khi tình hình được ổn định, hoàn thất khát vọng về một ASEAN của tất cả 10 quốc gia Đông Nam Á lúc đó.

Từ các nguyên tắc cốt lõi mang bản sắc ASEAN là đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, ASEAN có đầy đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để dàn xếp "êm đẹp" các mối quan hệ nội bộ trong khối. Những thách thức hiện tại không thể làm khó ASEAN trong việc hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra.

Trong cuộc xung đột giữa Thái Lan và Campuchia xung quanh chủ quyền ngôi đền hơn 900 năm tuổi Preah Vihear, ASEAN được Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc tin tưởng giao nhiệm vụ hòa giải tranh chấp giữa hai nước. Khi Toàn án Công lý quốc tế (ICJ) ra lệnh thiết lập một khu phi quân sự tạm thời xung quanh ngôi đền, các quan sát viên ASEAN một lần nữa được giao nhiệm vụ giám sát khu vực này.

Vừa qua, Chủ tịch ASEAN năm 2021 quyết định không mời lãnh đạo quân sự Myanmar tham dự các Hội nghị cấp cao ASEAN 38 và 39, thay vào đó là một đại diện phi chính trị.

Đây không phải là lần đầu tiên ASEAN đứng trước thách thức từ vấn đề nội bộ của một quốc gia thành viên.

Năm 2004, việc kết nạp Myanmar vào Hội nghị Á-Âu (ASEM) gặp khó khăn nhưng với việc ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) đạt được sự thống nhất về việc hạ cấp đại diện Myanmar tham dự hội nghị, tất cả các thành viên ASEAN đã trở thành thành viên của ASEM.

Rõ ràng, với hơn nửa thế kỷ phát triển, từ các nguyên tắc cốt lõi mang bản sắc ASEAN là đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, ASEAN có đầy đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để dàn xếp "êm đẹp" các mối quan hệ nội bộ trong khối. Những thách thức hiện tại không thể làm khó ASEAN trong việc hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra.

Củng cố vai trò trung tâm

Hiện nay, khu vực đang phải đối mặt với những thách thức cạnh tranh ảnh hưởng nước lớn ngày càng tăng, trong đó nổi bật là cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng các nước ASEAN sẽ bị chia rẽ nghiêm trọng do đứng trước nguy cơ phải chọn bên. Mối quan ngại được củng cố với sự ra đời của các cơ chế hợp tác mới.

Về chính trị, sự ra đời của Đối thoại an ninh Bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) và thỏa thuận quốc phòng mới giữa ba nước Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) được cho là có nguy cơ đẩy sân chơi an ninh vào tay các nước lớn khác.

Đó là chưa kể về mặt kinh tế, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chỉ có sự hiện diện của ba nước thành viên ASEAN là Brunei, Malaysia và Việt Nam trong khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lại có sự hiện diện của hai cực kinh tế lớn của thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, vai trò trung tâm của ASEAN vốn bắt đầu chính thức được xác định từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX, sẽ tiếp tục được củng cố ít nhất với hai lý do.

Thứ nhất, bản thân ASEAN và các đối tác đối thoại lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand đã thiết lập kênh đối thoại thượng đỉnh song phương (ASEAN+1) và các đối tác này cũng đã công nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác ở khu vực.

Các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hợp tác ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF) với sự tham gia của các nước có lợi ích lớn ở khu vực đều thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN.

Thứ hai, trên thực tế, những cơ chế mới định hình như nhóm Bộ tứ hay AUKUS do Mỹ lãnh đạo đang khiến Trung Quốc và Nga ngờ vực. Trong bối cảnh đó, kinh nghiệm điều phối và bản lĩnh của của ASEAN trong việc ứng xử phó với các tình huống, từ các vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống đến liên kết kinh tế khu vực khiến ASEAN tiếp tục là “thỏi nam châm” thu hút được nhiều sự quan tâm nhất và sự tin tưởng lớn nhất hiện nay ở khu vực.

Cũng như truyền thống các năm trước đây, vai trò trung tâm của ASEAN sẽ tiếp tục được khẳng định trong định hướng phát triển của khối, trong quá trình hội nhập kinh tế và chính trị nội khối cũng như giữa ASEAN với các đối tác ngoài khu vực, đặc biệt là trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ARF, ASEAN+3, EAS, ADMM+ và EAMF.

Bước tiến về đàm phán COC

Trong các hội nghị bộ trưởng chuẩn bị cho các Hội nghị cấp cao ASEAN 38 và 39, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao các nước ASEAN đều nhấn mạnh cam kết hợp tác hòa bình và mang tính xây dựng để Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng thông qua việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, theo lịch trình đã được thống nhất. Đây cũng là tinh thần chung của hội nghị giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác đối thoại thuộc cơ chế ASEAN+1.

Chiến lược thích ứng với đại dịch trong điều kiện mới cùng truyền thống đoàn kết của ASEAN hứa hẹn sẽ giúp khu vực tìm ra các giải pháp để tiếp tục tự tin bước tiếp.

Đại dịch Covid-19 đã khiến quá trình đàm phán COC trong thời gian qua bị trì hoãn kể từ tháng 2/2020 và chỉ được khôi phục lại với Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 19 về thực hiện DOC diễn ra vào tháng 6 vừa qua tại Trùng Khánh, Trung Quốc.

Đàm phán về Văn kiện dự thảo đàm phán về COC duy nhất (lần đầu) giữa ASEAN và Trung Quốc bắt đầu từ tháng 8/2018 đạt được bước tiến mới khi tại hội nghị ở Trùng Khánh vừa qua, ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất được việc sớm có được Văn bản dự thảo đàm phán COC duy nhất lần thứ hai. Indonesia cũng là quốc gia xin đăng cai vòng tiếp theo của đàm phán COC.

Điểm đột phá lớn nhất trong đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc là hai bên thống nhất xây dựng COC phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 như trong Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 23 do Việt Nam chủ trì vào năm 2020.

Nói cách khác, hai bên đã thống nhất được khuôn khổ pháp lý mà COC thuộc về. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng của COC, lợi ích của các nước ngoài khu vực… đang là những khác biệt giữa Trung Quốc và ASEAN cũng như giữa các nước ASEAN có tranh chấp và không có tranh chấp ở Biển Đông khiến mục tiêu kết thúc đàm phán COC theo lịch trình là vào năm 2021 xem ra khó trở thành hiện thực.

Nói tóm lại, dù còn những khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại, vấn đề nội bộ của một vài quốc gia thành viên và đặc biệt là cạnh tranh chiến lược nước lớn khiến ASEAN gặp không ít thách thức, trở ngại trước thềm các Hội nghị cấp cao ASEAN 38, 39 và các hội nghị liên quan.

Tuy nhiên, chiến lược thích ứng với đại dịch trong điều kiện mới cùng truyền thống đoàn kết của ASEAN hứa hẹn sẽ giúp khu vực tìm ra các giải pháp để tiếp tục tự tin bước tiếp./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.