Mới đây nhất, sự việc 8 người tử vong và hàng chục người phải nhập viện điều trị do ngộ độc thực phẩm tại bản Tả Chải (xã Ma Ly Chải) huyện Phong Thổ (Lai Châu) là một ví dụ điển hình, đau xót. Nguyên nhân của vụ ngộ độc được cơ quan chức năng xác định là do người dân uống phải rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ với nồng độ cồn vượt nhiều lần mức cho phép.
Được biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện Phong Thổ đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện, thu giữ, xử lý toàn bộ thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, yêu cầu các xã biên giới tổ chức tuyên truyền tới tận người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn, hết hạn sử dụng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định...
Một ví dụ nữa tuy không mới nhưng chưa khi nào là cũ, đó là tình trạng ngộ độc thực phẩm do thiếu hiểu biết của đồng bào. Đơn cử, tại huyện vùng cao Văn Yên (Yên Bái), từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 3 người tử vong. Nguyên nhân là do người dân không phân biệt được dẫn tới sử dụng nhầm nấm độc, rau rừng độc xảy ra kết cục thương tâm…
Lâu nay, cứ sau mỗi vụ ngộ độc thực phẩm đồng loạt nghiêm trọng ở đâu đó xảy ra, phản ứng thường thấy nhất của chính quyền địa phương là tiến hành thanh tra, kiểm tra ráo riết giống như một đợt cao điểm về tuyên truyền, phòng chống thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, sau một quãng thời gian, khi mọi chuyện yên ắng thì việc thanh tra, kiểm tra cũng mờ nhạt dần theo.
Qua đó cho thấy, đây chỉ là biện pháp xử lý nhất thời khi sự việc xảy ra nhằm trấn an dư luận. Điều đáng nói là, nếu như trước và sau đó, những biện pháp trên được triển khai thực hiện thường xuyên, quyết liệt hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng thì có lẽ sẽ không xảy ra những vụ ngộ độc thương tâm nói trên trong vùng đồng bào DTTS.
Chính vì thế, vấn đề đặt ra là các cơ quan có trách nhiệm đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong cả nước nói chung, ở vùng đồng bào DTTS nói riêng cần phải làm hết trách nhiệm trong việc tuyên truyền, trang bị kiến thức cho đồng bào DTTS. Đồng thời, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm vấn nạn kinh doanh thực phẩm bẩn, tránh tình trạng hình thức, đánh trống bỏ dùi... dẫn tới những vụ ngộ độc thương tâm tiếp diễn.
MẠNH HÀ