Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

An Thượng (Hoài Đức, Hà Nội): Chính quyền liệu có thờ ơ trước sai phạm đã rõ?

Kiên Minh Hải - 18:59, 09/07/2021

Việc lấn chiếm ngõ đi chung là trái quy định pháp luật, không chỉ gây mất mỹ quan khu dân cư, mà còn gây cản trở giao thông đi lại, sản xuất nông nghiệp của người dân trong xóm… Dù lãnh đạo huyện Hoài Đức đã có chỉ đạo giải quyết nhưng đến nay, vụ việc vẫn “giậm chân tại chỗ”?!.

Con đường bị lấn chiếm đã cản trở việc đi lại của người dân
Con đường bị lấn chiếm đã cản trở việc đi lại của người dân

“Trên bảo dưới không nghe”

Vừa qua Báo Dân tộc và Phát triển nhận được đơn thư của người dân xóm Mới Cửa Vải, thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội phản ánh về việc, họ bị gia đình ông Phạm Văn Chính và ông Vũ Văn Kỳ tự ý lấn chiếm ngõ đi chung của xóm.

Sự việc đã được người dân phản ánh từ hơn 5 năm qua, nhưng đến nay vẫn không được chính quyền xã An Thượng giải quyết, dù có ý kiến chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Hoài Đức.

Ông Trần Quang Tuấn, người dân xóm Mới Cửa Vải, thôn Lại Dụ, cho hay: Từ năm 2016 đến nay, người dân chúng tôi rất nhiều lần gửi đơn thư tới các cấp chính quyền huyện, xã. Kể cả ý kiến trong các lần tiếp xúc cử tri nhưng cho đến nay, vẫn không một cơ quan nào đứng ra giải quyết, xử lý sai phạm này, gây mất niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền địa phương.

Theo tài liệu người dân cung cấp cho phóng viên, từ năm 2016, người dân đã làm đơn đề nghị gửi xã, huyện về việc ngõ đi chung bị lấn chiếm. Tính đến thời điểm hiện tại, người dân địa phương đã hàng chục lần đơn thư gửi các cấp chính quyền về việc này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển trao đổi với người dân
Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển trao đổi với người dân

Đáng chú ý là, vụ việc đã được Huyện ủy, UBND huyện Hoài Đức nhiều lần có văn bản chỉ đạo UBND xã An Thượng giải quyết dứt điểm. Cụ thể, ngày 5/4/2019, Huyện ủy Hoài Đức có văn bản số 54-CV/VPHU gửi người dân xóm Mới. 

Trong văn bản của Huyện ủy Hoài Đức có nêu: “Sau khi nghiên cứu nội dung đơn thư, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Huyện ủy, Văn phòng Huyện ủy đã chuyển đơn của các ông bà đến đồng chí Chủ tịch UBND huyện để chỉ đạo kiểm tra xem xét giải quyết theo quy định”.

Đến ngày 8/4/2019, UBND huyện Hoài Đức có công văn số 183/BTCD gửi UBND xã An Thượng. Trong văn bản này, lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức giao UBND xã An Thượng xem xét, giải quyết theo quy định.

Chính quyền xã thờ ơ?

Theo nội dung đơn thư của người dân, năm 1994, mỗi hộ ở xóm Mới Cửa Vải, thôn Lại Dụ được hợp tác xã cấp cho 180m2 để làm nhà, nếu 2 suất là 360m2. Thế nhưng, riêng phần đất nhà ông Phạm Văn Chính lại lên đến 450m2; hộ ông Vũ Văn Kỳ cũng được như vậy.

Điều đáng nói là, diện tích đất thừa này lại chính là phần ngõ đi chung của xóm. Năm 2017, ông Chính cho xây dựng công trình phụ trên phần ngõ đi chung.

Bức xúc trước việc làm của hộ ông Chính và ông Kỳ, người dân xóm Mới Cửa Vải đã nhiều lần làm đơn đề nghị các cấp chính quyền, làm rõ cơ sở pháp lý diện tích đất của hai hộ này. Đồng thời, cũng đề nghị nếu phát hiện sai phạm thì kiên quyết xử lý, giải tỏa để việc đi lại của người dân được thuận tiện.

Ngày 28/6/2021, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có mặt tại địa phương để ghi nhận phản ánh của người dân và thực tế vụ việc. Theo quan sát, tại khu vực này các ngõ khác đều thông suốt hai đầu, rất thuận tiện cho việc đi lại của Nhân dân trong xóm. Duy chỉ có hai ngõ đã bị gia đình ông Kỳ và ông Chính lấn chiếm bịt lại một đầu đúng như phản ánh của người dân địa phương.

Con đường đã bị hộ dân lấn chiếm
Con đường đã bị hộ dân lấn chiếm

Cho dù vụ việc tương đối rõ ràng, người dân phản ánh là có cơ sở nhưng vẫn không hiểu sao sau 6 năm, chính quyền địa phương vẫn án binh bất động.

Dư luận đang đặt câu hỏi: Phải chăng chính quyền địa phương đang thờ ơ trước quyền lợi chính đáng và hợp pháp của công dân đã được pháp luật và nhà nước công nhận và bảo hộ. Hay phía sau vụ việc này còn có những điều uẩn khúc khác?

Nhằm làm rõ những ý kiến phản ánh của người dân, phóng viên đã liên hệ với UBND huyện Hoài Đức, UBND xã An Thượng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi của cả huyện và xã về vấn đề này.

Theo phản ánh của người dân trong thời gian qua, trên địa bàn xã An Thượng do chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đất đai nên để xảy ra nhiều sai phạm đến nay vẫn chưa được xử lý, giải quyết, ví như khu vực bãi sông Đáy, khu thôn An Hạ, Thanh Quang, Ngự Câu…

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục làm rõ những vấn đề này để thông tin tới bạn đọc.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.