Tỉnh An Giang thuộc khu vực Tây Nam bộ, có đường biên giới giáp nước bạn Campuchia. Tuy là vùng đồng bằng, nhưng An Giang có 2 huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn tập trung đồng bào DTTS sinh sống. An Giang cũng là tỉnh có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống đông nhất khu vực Tây Nam bộ.
Ông Men Pholy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ II (năm 2014 - 2019), những năm qua, tỉnh đã tập trung bố trí nhiều nguồn lực để thực hiện chính sách dân tộc, việc lồng ghép, phối hợp sử dụng các nguồn lực triển khai khá đồng bộ, hiệu quả, cụ thể như: Chương trình 135 (năm 2015 - 2019), với kinh phí trên 120 tỷ đồng, đã xây dựng nhiều công trình duy tu bảo dưỡng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo, bồi dưỡngcán bộ xã và người dân, các mô hình phát triển sản xuất như trồng nấm rơm trong nhà, nuôi lươn, nuôi bò, kỹ thuật trồng rau màu an toàn...
Thực hiện Quyết định 102/2009/QĐ-TTg, tỉnh cũng đã hỗ trợ trực tiếp cho 116.448 người nghèo thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, với số tiền trên 10 tỷ đồng; triển khai chính sách đối với Người có uy tín với tổng số tiền 1 tỷ 253 triệu đồng; hỗ trợ đất ở cho 894 hộ, kinh phí trên 29 tỷ đồng (33 triệu đồng/hộ); hỗ trợ lao động đào tạo nghề cho 83 người, với kinh phí gần 63 triệu đồng; đầu tư nước sinh hoạt phân tán cho các hộ gia đình nghèo để tạo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, với tổng số hộ được hỗ trợ là 774 hộ, kinh phí 1 tỷ đồng.
Năm 2017, thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, gồm hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề; dự kiến số hộ thụ hưởng là 6.736 hộ, kinh phí thực hiện 117.897 triệu đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay vốn tín dụng chính sách 162 tỷ đồng, với 11.278 người vay... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS từ 3 - 4 %/năm...
Các chính sách khác như hỗ trợ xây dựng 62 lò hỏa táng cho các chùa Khmer với kinh phí 37 tỷ đồng (600 triệu đồng/lò); hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 61 chùa Khmer; mua sắm nhạc cụ dân tộc cấp cho chùa Khmer, thánh đường Chăm.
Từ việc triển khai các chương trình, dự án chính sách dân tộc tạo “sức bật” cho vùng đồng bào phát triển. Điển hình như 100% số xã khu vực nông thôn tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống có đường ôtô đến trung tâm xã, ấp; 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, 150/156 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Toàn tỉnh có 42.350 hộ/50.500 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa và 67/73 khóm, ấp văn hóa, 5 xã đạt chuẩn văn hóa; 32 khóm, ấp đạt chuẩn “Điểm sáng văn hóa biên giới”... Qua đó, đẩy mạnh bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng gia đình văn hóa, phum, sóc văn hóa...
Ngoài quan tâm tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên, các cấp chính quyền còn chú trọng chăm lo về đời sống tinh thần cho đồng bào DTTS. Các hoạt động Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch của đồng bào Khmer, Chăm, Lễ hội đua bò Bảy Núi… được địa phương tổ chức hằng năm, với nhiều hoạt động phong phú, tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc riêng, thu hút đông đảo người dân, khách du lịch trong và ngoài tỉnh tham dự.
Nhờ tích cực bảo tồn, giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống dân tộc, đến nay, An Giang có 2 di sản văn hóa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là Lễ hội đua bò Bảy Núi và Bộ kinh lá Buông được công nhận “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer” của đồng bào dân tộc Khmer.
Trong các dịp lễ, Tết Cổ truyền đồng bào DTTS, các cấp ủy, chính quyền tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà Tết Nguyên đán của đồng bào Hoa; Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer; tháng nhịn chay Ramadan, Tết Roya Haji của đồng bào Chăm.
Hằng năm, địa phương đều dành nguồn kinh phí khoảng 600 triệu đồng để thực hiện các hoạt động thăm, chúc mừng các ngày lễ lớn đối với các trường có con em đồng bào dân tộc đang học, các vị chức sắc, cán bộ tiêu biểu người DTTS.
Riêng trong năm 2019, ngoài việc tổ chức họp mặt, Ban Dân tộc tham mưu cho lãnh đạo hỗ trợ cho 4.089 hộ nghèo dân tộc Khmer vui Tết Chôl Chnăm Thmây; 247 hộ hộ nghèo dân tộc Chăm vui Tết Roya Haji, với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS lần III năm 2019, với mục tiêu chung đến năm 2024, là thu hẹp một bước chênh lệch giữa vùng DTTS so với vùng phát triển, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS thông qua các chương trình, dự án đầu tư. Nâng cao trình độ dân trí; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc.
“Để thực hiện tốt những vấn đề trên, đòi hỏi trách nhiệm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc cần phải đoàn kết, phát huy nội lực, cùng nhau góp sức với Đảng, Nhà nước để vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới ở quê hương”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Mục tiêu chung đến năm 2024, là thu hẹp chênh lệch giữa vùng DTTS so với vùng phát triển, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS thông qua các chương trình, dự án đầu tư. Nâng cao trình độ dân trí; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc”.
Ông Nguyễn Thanh Bình,
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang