Chưa bao giờ Tết Roya Haji của làng Chăm An Giang nhộn nhịp như năm nay. Từ đầu làng đã thấy cờ phướn rực rỡ, nhà nhà lo thu dọn để chuẩn bị đón Tết.
Theo truyền thống, vào ngày Tết Roya Haji, cộng đồng Chăm ở hầu hết các thánh đường đều tổ chức đón mừng. Mọi người đến thánh đường hành lễ, cầu xin tha thứ cho nhau những việc làm đã qua. Mỗi gia đình, tín đồ Muslim khá giả có của ăn của để thực hiện nghi thức Kurbal là mua gia súc (bò, dê, cừu) để tế lễ, phân phát cho hộ nghèo trong làng cùng chia sẻ niềm vui ngày Tết Roya đầy yêu thương.
Lễ Roya Haji của người Chăm Islam ở An Giang diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 10 tháng 12 Hồi lịch (tương ứng từ ngày 9-11/8 dương lịch). Dịp Tết Roya Haji đồng bào Chăm năm nay, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm và tặng quà Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo và 3 thánh đường cùng 50 cá nhân là các vị chức sắc, Người có uy tín và hộ nghèo là đồng bào Chăm.
Theo ông Tào Việt Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương III (Ủy ban Dân tộc), ngoài đến thăm và tặng quà tại tỉnh An Giang, lãnh đạo Vụ Địa phương III còn tổ chức đến thăm 2 tỉnh Kiên Giang và Trà Vinh-nơi có Thánh đường Hồi giáo của đồng bào Chăm. Đây là món quà ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS; đồng thời, động viên chức sắc, bà con tín đồ phát huy truyền thống gắn bó, đoàn kết cùng đồng bào cả nước chung sức, phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương, ra sức thi đua lao động sản xuất; tích cực tham gia các phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng NTM, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Đồng bào Chăm ở An Giang có 17.000 người, tất cả đều theo đạo Hồi giáo Islam, sinh hoạt ở 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường. Tết Roya Haji năm nay, lần đầu tiên Ban Dân tộc tỉnh An Giang tổ chức họp mặt gần 100 đại biểu là đồng bào Chăm đang làm việc ở các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp cấp tỉnh, huyện, xã, ấp và các vị chức sắc, giáo cả, Người có uy tín, nhân sĩ trí thức.
Ông Sa Lây Mal, Phó cả Thánh đường Jamiul Aman (xã Khánh Hòa, Châu Phú) bày tỏ: “Tôi năm nay 80 tuổi, lần đầu tiên dự họp mặt ngày Tết Roya thấy hết sức cảm động. Ngày xưa cha mẹ tôi nghèo, cả xã cũng nghèo. Đảng ta đã quan tâm cho đồng bào dân tộc chúng tôi nói riêng và đồng bào DTTS trong tỉnh nói chung. Điều gì chúng tôi cần, Nhà nước đều quan tâm tạo điều kiện. Bây giờ được quan tâm luôn tới ngày tết truyền thống của người Chăm là quá trọn vẹn”.
Ông Men Pholly, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước, chính quyền tỉnh An Giang đã có nhiều chính sách dành cho đồng bào DTTS, như: Chương trình 135, Chương trình 134, chương trình cho vay, hỗ trợ giáo dục và đầu tư điện, đường, trường, trạm… tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào Chăm.
Đặc biệt từ năm nay, vào dịp Tết Roya Haji của đồng bào Chăm, Ban Dân tộc đã tham mưu cho tỉnh tổ chức họp mặt các đại biểu tiêu biểu nhằm tôn vinh, biểu dương những đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, các vị chức sắc, cá nhân tiêu biểu đồng bào Chăm đã góp phần tích cực trong khối đại đoàn kết, giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế-xã hội, nhất là đóng góp cho sự phát triển của quê hương.
Ngoài ra năm nay, với sự tham mưu của Ban Dân tộc, UBND tỉnh hỗ trợ cho 250 hộ nghèo đồng bào Chăm (300.000 đồng/hộ) để vui Tết. Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân tộc tổ chức đoàn đi thăm, tặng quà, chúc mừng ngày Tết Roya tại tất cả các thánh đường và các tiểu thánh đường.
H.NGUYÊN