Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

An giang: Hiệu quả chính sách dân tộc ở các huyện miền núi, biên giới

PV - 15:40, 27/03/2019

Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) là hai huyện miền núi biên giới duy nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi tập trung hơn 80.000 người dân tộc Khmer sinh sống và cũng là vùng đất nghèo nhất của tỉnh An Giang.

Cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Tịnh Biên kiểm tra chất lượng cây đậu phộng. Cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Tịnh Biên kiểm tra chất lượng cây đậu phộng.

Năm 2007, sau khi Tri Tôn và Tịnh Biên chính thức được công nhận huyện miền núi, các xã nghèo và đồng bào DTTS nơi đây mới được tiếp cận với các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và hàng loạt dịch vụ xã hội dành cho hộ nghèo vùng DTTS, miền núi, đặc biệt là những nguồn lực từ chương trình dự án, chính sách dân tộc.

Qua đó, diện mạo của 2 huyện miền núi ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên về mọi mặt. Đến nay hầu hết các phum, sóc hẻo lánh ở Tịnh Biên, Tri Tôn có điện lưới quốc gia, 97% hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 2 huyện giảm trung bình từ 4-5%/năm.

Mới đây, trở lại huyện miền núi Tịnh Biên, thăm hợp tác xã dệt thổ cẩm và mô hình trồng đậu phộng ở xã Văn Giáo đúng dịp đồng bào Khmer nơi đây đang nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây...; chị Neang Sa Mol ở ấp Srâykhốth, thành viên Hợp tác xã dệt thổ cẩm Văn Giáo, phấn khởi cho biết, mấy năm gần đây, Nhà nước hỗ trợ khôi phục nghề truyền thống, chị và rất nhiều xã viên được hỗ trợ khung dệt tốt, vốn mua tơ nên mỗi tháng chị làm được từ 04- 05 sản phẩm, tăng gấp đôi so với trước kia. Tùy theo chất lượng thổ cẩm, nhất là những sản phẩm có hoa văn đẹp có thể bán với giá từ 900.000 đồng đến hơn 01 triệu đồng.

Ông Hồ Văn Đức, Phó Chủ tịch xã Văn Giáo cho biết: nhờ thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, không để người nào bị thiếu đói, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện hơn trước.Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào Khmer của xã giảm từ 40,37% (năm 2016) xuống còn 19,21% cuối năm 2018. Đặc biệt, vào dịp lễ tết, địa phương vận động các tổ chức cá nhân tặng tiền, quà cho hộ nghèo, hộ chính sách nhằm tạo đều kiện cho đồng bào vui đón tết.

Ngoài việc hỗ trợ khôi phục nghề truyền thống tạo việc làm cho phụ nữ là người DTTS, những năm qua huyện Tịnh Biên còn hỗ trợ cho nông dân phát triển nhiều mô hình sản xuất mang lại thu nhập cao. Điển hình mô hình trồng cây đậu phộng (cây lạc) trên đất thiếu nước tưới. Mô hình được triển khai tại các xã An Cư, Vĩnh Trung và Văn Giáo với diện tích hơn 500ha. Mục tiêu của mô hình là sản xuất đậu phộng giống, với mức giá 20.000-25.000 đồng/kg khi đưa ra thị trường, thay vì nông dân bán đậu thương phẩm chỉ hơn 10.000 đồng/kg.

Theo đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên đã phối hợp với Ngân hàng chính sách tạo thuận lợi cho các hộ tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất (thuộc CT 135). Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp huyện Tịnh Biên còn kết nối các đối tác để tìm đầu ra sản phẩm nên bà con rất yên tâm sản xuất.

Hơn 12 năm qua, kể từ khi huyện Tri Tôn được công nhận là huyện miền núi, huyện đã được thụ hưởng các nguồn lực từ các dự án và tiểu dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần thay đổi diện mạo cho vùng DTTS và miền núi một cách toàn diện.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, huyện đã triển khai hiệu quả tiểu dự án 3 (CT135) về hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, qua đó năng lực, trình độ của cán bộ cơ sở đã từng bước nâng lên, đáp ứng công việc hướng dẫn, vận động người dân tổ chức cuộc sống; xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình hiệu quả. Bên cạnh đó, thực hiện Tiểu dự án 4, từ Chương trình 30a cũng đã tạo điều kiện cho 13 lao động của địa phương tham gia xuất khẩu lao động cải thiện cuộc sống.

Ông Men Sây Ma, Phó Chủ tịch huyện Tri Tôn cho biết: mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế-xã hội của huyện miền núi Tri Tôn cũng đang tiếp tục khởi sắc. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 18,81% đến cuối năm 2018 giảm xuống còn 12,45%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 33,49% xuống còn 22,82% so với số hộ DTTS chung toàn huyện.

Đời sống kinh tế ổn định, các địa phương chú trọng đầu tư cải thiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Đặc biệt, một số các lễ hội văn hóa, thể thao trong vùng đồng bào Khmer được bảo tồn và phát huy như Lễ hội Đua bò Bảy Núi được tổ chức luân phiên hằng năm giữa hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên; dệt thổ cẩm, đua ghe ngo… được tổ chức hằng năm thu hút đồng bào, du khách trong và ngoài tỉnh tham gia, tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

N.TÂM