Dù công việc cơ quan bận rộn, nhưng hơn 1 năm qua, chị Phạm Thị Quy, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kly, huyện Krông Păk (Đăk Lăk) vẫn dành thời gian đi thu gom, kêu gọi, mở “Cửa hàng 0 đồng”. Sau giờ làm, chị Quy lại chở đồ được các mạnh thường quân quyên góp về nhà cùng chồng con giặt sạch, phân loại rồi chở ra “cửa hàng”.
Chị Quy chia sẻ: “Của cho không bằng cách cho”, cho làm sao để người nhận cảm thấy thoái mái nhất. Vì thế chị đặt tên nơi phát quần áo từ thiện của mình là cửa hàng, người mua hàng chỉ phải trả “0 đồng” khi mua sản phẩm.
“Mỗi khi có người lựa được chiếc áo, quần ưng ý tôi rất vui. Tại các điểm cửa hàng, tôi cùng các cộng sự luôn cố gắng để bày biện thật gọn gàng, sạch sẽ, bày tỏ thành ý tôn trọng bà con. Tôi hy vọng việc làm của mình sẽ góp phần nhỏ, san sẻ cùng bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa”, chị Quy tâm sự.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Păk đánh giá, việc làm của chị Quy rất nhân văn, đáng trân trọng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Mong rằng huyện sẽ có nhiều người có tấm lòng để chia sẻ yêu thương với bà con có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu.
Mong muốn này đã thành hiện thực khi “Cửa hàng 0 đồng” đã được mở nhiều nơi ở Đăk Lăk. Tại huyện Ea Súp, “Cửa hàng 0 đồng” của chàng trai trẻ Hoàng Đức Trung, xã Cư K’bang cũng lan tỏa những yêu thương đến vùng quê nghèo.
Làm công tác đoàn, anh Trung thường xuyên đi tình nguyện tại các xã vùng sâu, vùng xa, được thấy cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của nhiều người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Anh nghĩ đến việc muốn làm một việc gì thiết thực, gần gũi giúp đỡ người dân trong khả năng của mình.
Cuối năm 2019, anh Trung cùng Câu lạc bộ (CLB) Thế hệ xanh thành lập “Cửa hàng 0 đồng” ngay tại trạm y tế xã Cư K’bang để phục vụ bà con.