Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

A Ngưi làm du lịch

Thanh Huyền - 14:41, 25/09/2020

Đinh A Ngưi ở làng KGiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (Gia Lai) - một chàng trai Ba Na rắn rỏi, tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng, tiên phong làm du lịch cộng đồng ở buôn làng. A Ngưi đã tìm cho mình một lối đi riêng, khác biệt, đúng “chất” Ba Na.

A Ngưi (ngồi giữa) và đồng bào dân tộc Ba Na tại buôn làng
A Ngưi (ngồi giữa) và đồng bào dân tộc Ba Na tại buôn làng

Tìm sự khác biệt để phát triển

Sinh ra và lớn lên từ buôn làng Ba Na, Đinh A Ngưi (SN 1982) hiểu rõ giá trị kho tàng văn hóa đồ sộ của dân tộc mình, nên anh yêu da diết mảnh đất quê hương, con người nơi đây. Nhìn thấy những giai điệu dân ca dần bị lãng quên, các dòng sông, con suối khô cạn, ngôi nhà rông làm từ tre, nứa bị lấn át bởi những ngôi nhà xây gạch ngói… A Ngưi cảm thấy lòng mình nhói đau. Anh nung nấu khát vọng khởi nghiệp từ chính những di sản cha ông để lại. 

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Văn hóa, A Ngưi về công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Kbang. Có việc làm đúng nghề ngay tại quê mình là tốt rồi. Thế nhưng tâm trí A Ngưi không nguôi hướng về buôn làng. Có cái gì đó cứ cựa quậy đêm ngày trong đầu. Người Ba Na mình có âm thanh ching chiêng, đàn T’rưng… hay thế, giàu có thế! Đẹp cả từ căn nhà rông đến bộ váy áo nữ. Ngon và sạch không chỉ món gà nướng, con cá suối, cơm ống nứa, mà còn thơm cả mùi vị những trái bí, trái bầu, nắm rau rừng… Làm sao để gìn giữ? Làm sao giới thiệu với mọi người, để không chỉ phát huy mà còn có thêm thu nhập cho nhà mình, cho bà con nữa chứ? 

Từ những suy nghĩ ấy, sau khi tích cóp kinh nghiệm từ những chuyến đi Tour của mình, đầu năm 2019, A Ngưi cho ra đời Homestay A Ngưi Kbang tại Làng K’Giang, xã Koong Lơng Khơng, huyện Kbang với 2 nhà sàn và mấy chòi tranh tre nứa lá. Không bằng lòng, anh mua nguyên vật liệu, tự đi bốc đá, cát về để hoàn thiện thêm. Thấy nhu cầu khách ngày một tăng, A Ngưi đã kiên trì đi 10 ngân hàng để vay vốn mà không ngân hàng nào cho vay. Cuối cùng, Giám đốc Ngân hàng An Bình thấy A Ngưi tâm huyết quá nên quyết định cho anh vay để hoàn thiện công trình. Hiện nay, Homestay đã có 2 nhà sàn lớn, 3 chòi nhỏ, 1 khu vệ sinh, một sân trình diễn cồng chiêng, 1 ao cá, 2 sào ruộng. A Ngưi huy động hết cả làng cùng tham gia, kèm theo các chế độ ưu đãi, phân công mỗi gia đình, mỗi thành viên một công việc. 

“Trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng, mình luôn nỗ lực tạo nên những sản phẩm du lịch tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của du khách; nhưng đồng thời cũng luôn ý thức về việc giữ gìn cái cốt cách, tinh thần của đồng bào mình, để tạo nên bản sắc đặc trưng không hòa lẫn vào đâu được”, A Ngưi chia sẻ. 

Điều khác biệt là khi đến với Homestay A Ngưi Kbang, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên nên thơ hùng vĩ, hòa cùng tiếng cồng chiêng, tiếng đàn T’rưng réo rắt bên ngọn lửa bập bùng…

Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức hương vị các món ăn tươi ngon, tự nhiên, đậm đà của đồng bào DTTS, cùng ché rượu cần nồng nàn; được tham gia khám phá núi rừng, chia sẻ các kỹ năng sinh tồn. Đặc biệt, được nghe các nghệ nhân hát sử thi, thăm quan các làng nghề dệt thổ cẩm, đan đát, chế tác nhạc cụ, làm cung nỏ, xem biểu diễn cồng chiêng…

Một góc Homestay A Ngưi Kbang
Một góc Homestay A Ngưi Kbang

“Yêu thiên nhiên như mẹ, quý bản sắc như cha” 

Sau gần 1 năm hoạt động, mô hình du lịch cộng đồng của A Ngưi đã thu hút gần 2.000 lượt khách thăm quan. Thời điểm từ tết Nguyên đán 2020 đến trước khi dịch Covid-19 bùng phát (hơn 2 tháng), Homestay A Ngưi Kbang đã đón khoảng 700 lượt khách trong và ngoài nước… Nhờ đó mà A Ngưi Kbang đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 người DTTS địa phương. Mùa cao điểm, tăng lên 100 người, để phục vụ cho đội văn nghệ, nghệ nhân hát sử thi, điều hành Tour và đội ngũ đầu bếp… 

Với phương châm “Lấy di sản nuôi di sản, cộng đồng cùng hưởng lợi”, các hộ dân liên kết với Homestay A Ngưi Kbang đã có thu nhập ổn định, dao động khoảng vài trăm ngàn đồng/người/ngày.

Do tác động của đại dịch Covid-19, lượng khách đến với Homestay A Ngưi Kbang có giảm sút so với trước, nhưng với A Ngưi đó không phải là trở ngại. Trong thời điểm này, A Ngưi chú trọng xây dựng và đào tạo nâng cao sự chuyên nghiệp cho người dân trong phục vụ du lịch. Đồng thời, thu hút khách du lịch nội địa, kèm theo các gói kích cầu du lịch, kết hợp các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách. 

A Ngưi đang đầu tư khoảng trên 2 tỷ đồng để xây dựng thêm 2 căn nhà sàn lớn ở khu Homestay cao cấp với đầy đủ khuôn viên, bể bơi, nhà hàng… để phục vụ cho đối tượng khách cao cấp. Đồng thời, A Ngưi cũng đang ấp ủ dự định sẽ kết hợp với một số bạn có cùng đam mê, tạo nên những chuỗi liên kết mô hình du lịch cộng đồng tại nhiều vùng miền…

Để có thêm kiến thức làm du lịch, A Ngưi vừa học xong lớp hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội. Điều A Ngưi vui hơn là ngày càng có nhiều bạn trẻ về học hỏi mô hình của mình. Anh đã truyền được “ngọn lửa” đam mê khởi nghiệp cho nhiều bạn trẻ khắp mọi miền đất nước. Bởi theo anh, “các bạn trẻ có phương án tốt, chịu khó, biết nắm bắt cơ hội thì sẽ thành công”. 

Với A Ngưi, làm du lịch cộng đồng không chỉ đơn thuần là khai thác tiềm năng, thế mạnh của thiên nhiên, mà phải gắn với cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống phải “yêu thiên nhiên như mẹ, quý bản sắc như cha”. Đó cũng là cách để chàng trai Ba Na này “trả nghĩa” với buôn làng Tây Nguyên. Bởi vậy, trái tim và nhiệt huyết của A Ngưi đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ…

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.