Nhiều kết quả nổ bật
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 2/10 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9/2019. Phiên họp đã tập trung nhìn nhận, đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Trên cơ sở đó đánh giá sơ bộ cả năm 2019, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cho 3 tháng cuối năm để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Theo đánh giá, trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự kiến năm 2019 cả nước sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98% (mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây), là dấu hiệu rất tích cực, trong đó nông nghiệp tăng 2,02%, công nghiệp tăng 9,36% (cùng kỳ 2018 là 8,89%), dịch vụ tăng 6,85%. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2019 tăng 0,32% so với tháng trước (do điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục, giá thịt lợn tăng, giá một số mặt hàng tăng tại các địa phương có mưa lũ kéo dài), CPI bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua…
Kết quả đó khẳng định những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước để vượt qua khó khăn, thách thức từ đầu năm và mang lại kết quả khả quan, không khí phấn khởi cho toàn xã hội, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài nước, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đồng thời minh chứng rõ nét cho nỗ lực vượt khó với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đoàn kết và ý chí quyết tâm, phấn đấu vươn lên của cả dân tộc ta.
Vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại hạn chế và khó khăn thách thức cần phải vượt qua. Trước hết là, ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp thấp nhất trong 3 năm qua. Một số dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, chưa xác định được thời gian hoàn thành; giải ngân vốn đầu tư công hiện nay còn rất chậm, không có nhiều chuyển biến (mới đạt 45,17% kế hoạch được Quốc hội thông qua, cùng kỳ đạt 50,93%). Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (số doanh nghiệp giải thể tăng 4,7% so với cùng kỳ, trong đó 40% là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ); giá xuất khẩu bình quân của nhiều mặt hàng nông sản giảm.
Trong tháng 9 và quý III, phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết, chân tay miệng và sởi, hay về an ninh trật tự như tội phạm yếu tố nước ngoài, tổ chức sản xuất ma túy, đánh bạc qua mạng, lừa đảo qua mạng, làm giả thẻ ATM, cướp của, giết người, cho vay nặng lãi... gây bức xúc trong Nhân dân; còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; hay vấn đề ô nhiễm môi trường 2 đô thị lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, trên cơ sở các ý kiến và thảo luận, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần quyết tâm, kiên định thực hiện các mục tiêu đề ra; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh là "không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Về kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, phải tạo dựng thêm dư địa cho điều hành kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt; tăng tính chủ động và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường từ bên ngoài; tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm một cách thực chất các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, coi đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng… đồng thời phải nỗ lực, thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao…