Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết các luật; dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; thí điểm mở rộng quyền tự chủ của một số trường đại học; công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn, trả lời chất của lãnh đạo và thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và một số vấn đề quan trọng khác.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019, Chính phủ đánh giá, tiếp tục có chuyển biến tích cực (trừ ngành Nông nghiệp đang gặp khó khăn). Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. CPI tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng 4; CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ và đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Xuất khẩu đạt hơn 100 tỷ USD, tăng 6,7%; trong đó điểm đáng mừng là khu vực trong nước tăng 11,6%, cao hơn khu vực FDI. Gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, có gần 20.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những mặt hạn chế, tồn tại, cả từ bên trong, lẫn bên ngoài. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức. Dịch tả lợn châu Phi diễn biến khá phức tạp. Giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện....
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, phiên họp Chính phủ diễn ra ngay sau khi Quốc hội kết thúc phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, đề nghị các thành viên Chính phủ “nghiêm túc lắng nghe, nghiêm túc sửa chữa, nghiêm túc làm việc để đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân”.
Thời gian tới, Thủ tướng lưu ý, cần chú ý vấn đề bên ngoài khi nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng. Cùng với tình hình trong nước, thì phải tỉnh táo trong điều hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn, kịp thời hơn trong một thế giới đầy biến động. Thủ tướng cũng nêu rõ, qua thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đặt vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Cần chú trọng văn hóa hơn, nếu phát triển kinh tế mà không chú trọng văn hóa thì đến một lúc nào đó, kinh tế sẽ dừng lại do yếu tố văn hóa tác động, nhất là đạo đức, phẩm chất, môi trường sống, quan hệ xã hội khác…
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần đánh giá rõ về một số tồn tại, thách thức như phòng chống dịch tả lợn châu Phi, một vấn đề khá trầm trọng hiện nay, không thể chủ quan. Bên cạnh đó, cần chú ý nhiều hơn tới kỳ thi THPT sắp tới thế nào để tránh tồn tại vấp phải; vấn đề phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số; bảo vệ môi trường...
THANH HUYỀN