Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

70 năm sự kiện tập kết ra Bắc ở Cà Mau: Ký ức vẹn nguyên của những người trong cuộc

Tào Đạt - 10:23, 17/11/2024

Cà Mau là điểm tập kết có thời gian dài nhất, với 200 ngày (từ 21/7/1954 - 10/02/1955). 70 năm trôi qua, nhưng kí ức tại vùng tập kết chuyển quân và thời gian học tập, chiến đấu và lao động tại miền Bắc vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những người cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong năm xưa.

Chuyến tàu đầu tiên đưa cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, tháng 11/1954
Chuyến tàu đầu tiên đưa cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, tháng 11/1954

Ngày 07/5/1954, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. 

Chiến thắng lịch sử đó đã trực tiếp góp phần buộc Chính phủ Pháp và các bên có liên quan phải ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh ở Việt Nam. Theo đó, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời do quân đội Liên hiệp Pháp và ngụy quyền quản lý; lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời để tiến hành việc tập kết lực lượng của hai bên.

Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt ấy, khoảng hơn 200.000 cán bộ, chiến sĩ cách mạng và học sinh miền Nam đã tập kết ra miền Bắc. Địa điểm tập kết ở Nam Bộ được chọn tại 3 khu vực: Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân - Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay); khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp; và khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau.

Trong đó, điểm tập kết tại Cà Mau là tâm điểm, có thời gian dài nhất. Khu vực tập kết ở Cà Mau được xác định dọc theo kênh Sáng Chắc Băng (nối ngã ba sông Trẹm, thị trấn Thới Bình đến ngã ba sông Cái Lớn, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), cùng một số địa điểm khác trong tỉnh.

Trong thời gian 200 ngày tập kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của chính quyền cách mạng tại Cà Mau rất có hiệu quả, đã làm đổi mới các khu vực ta mới tiếp quản trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong thời gian 200 ngày tập kết đó, đồng bào Cà Mau đã thật sự được sống những ngày tự do, hạnh phúc. Ngày 08/02/1955, chuyến tàu cuối chuyển quân ở Nam bộ từ khu tập kết rời bến Sông Đốc, kết thúc 200 ngày tập kết tại Cà Mau.

Cuộc tập kết, chuyển quân ra Bắc là sự kiện lịch sử đặc biệt, thể hiện tầm nhìn chiến lược về sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một giai đoạn lịch sử đất nước có nhiều biến động. Cũng nhờ cuộc chuyển quân lịch sử ấy mà hơn 20 năm sau, đất nước Việt Nam Bắc-Nam sum họp một nhà.

Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có dịp gặp gỡ các các nhân chứng và ghi lại những chia sẻ đầy cảm động của các nhân vật nhân dịp Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc, được tổ chức tại tỉnh Cà Mau.

Ông Dương Thanh Toàn (92 tuổi, trú tại phường 5, TP Cà Mau), bộ đội tham gia tập kết ra Bắc: Những kỷ niệm sẽ mãi không quên

Ông Dương Thanh Toàn
Ông Dương Thanh Toàn

Tôi quê ở Mương Ðiều, huyện Ðầm Dơi, Cà Mau. Năm 17 tuổi, xung phong vào bộ đội, nhận nhiệm vụ sửa chữa vũ khí; đến năm 22 tuổi thì được lệnh tập kết ra Bắc ở bến Chắc Băng (xã Trí Phải, huyện Thới Bình), để ra tàu Liên Xô đang neo đậu cửa sông Cần Thơ, bắt đầu một chuyến đi dài tới Sầm Sơn (Thanh Hóa) ngày 16/11/1954.

Nhớ lại khi tới Sầm Sơn, tôi được cán bộ và đồng bào Thanh Hóa tiếp đón rất trọng thể. Không thể nào kìm được sự xúc động khi miền Nam và miền Bắc gặp nhau. Tôi nghĩ rằng, chỉ có sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Bắc - Nam mới có sự đoàn kết, thống nhất như vậy.

Trong thời gian này, đồng bào miền Bắc đang khó khăn về lương thực, phải ăn độn thêm bắp, khoai, sắn, nhưng lại lo cho cán bộ miền Nam được đầy đủ; kể cả nhiều loại trái cây của địa phương đều đem ra đãi khách thoải mái, không tiếc gì cả. Về chỗ ngủ và sinh hoạt, đồng bào cũng nhường chỗ tốt nhất trong gia đình.

Khi ra miền Bắc, ban đầu tôi được học cải cách ruộng đất, nhận nhiệm vụ ở Quân giới Z63 đóng trong rừng của tỉnh Tuyên Quang, sau đó đến Công trường 12 để xây dựng Nhà máy Quân giới Z1 tỉnh Yên Bái, tôi được đề bạt làm Tổ trưởng sản xuất, rồi Phó Quản đốc Phân xưởng Cơ điện. Lúc bấy giờ miền Bắc là hậu phương lớn, mọi hoạt động đều hướng về miền Nam thân yêu, ngày làm việc bằng hai, trắng đêm chế tạo vũ khí để viện trợ cho chiến trường miền Nam.

Nhớ lắm, khi ra đi có hẹn với đồng bào miền Nam là 2 năm sẽ về, nhưng cuối cùng thì phải đợi đến hơn 20 năm. Những lúc nhớ nhà, bản thân phải tự động viên, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày Bắc, đêm Nam cứ thế kéo dài. Tôi được đơn vị và bà con miền Bắc giúp đỡ, tạo điều kiện cho cưới vợ vào năm 1959. Sau ngày giải phóng, tôi trở về Nam, tôi tiếp quản Lục quân Công xưởng ở Gò Vấp, và được thăm lại quê hương sau nhiều năm xa cách.

Đối với bản thân tôi, cuộc tập kết, chuyển quân ra Bắc là một sự kiện quan trọng, người đi là thắng lợi, những người ở lại thì tiếp tục chiến đấu anh dũng, kiên cường. Những sự cống hiến đó đã giúp đất nước ta tươi đẹp như ngày hôm nay.

Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, dù được nhận rất nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen, nhưng với một người con miền Nam, trưởng thành ở miền Bắc như tôi được thưởng Huân chương do Hồ Chủ tịch ký tặng, tôi vô cùng xúc động, thấy mình quá may mắn, nhiều đồng đội của tôi vì nhiệm vụ, ở lại chiến đấu tại miền Nam thời gian đó, rất xuất sắc nhưng không bao giờ còn có cơ hội được nhận Huân chương do Hồ Chủ tịch ký tặng vì tháng 9/1969, Người đã mãi mãi đi xa.

Nhân dân Cà Mau mít tinh mừng thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ và tiễn đưa bộ đội tập kết ra Bắc
Nhân dân Cà Mau mít tinh mừng thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ và tiễn đưa bộ đội tập kết ra Bắc

Bà Lê Thị Liễu (81 tuổi, trú tại ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình), cựu học sinh miền Nam từng tham gia tập kết ra Bắc: “Không có Đảng và Bác Hồ thì sẽ chẳng có tôi hôm nay”

Bà Lê Thị Liễu
Bà Lê Thị Liễu

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Cà Mau là điểm tập kết lớn nhất Nam bộ với 200 ngày và Sông Ðốc là bến tiễn đưa cán bộ, chiến sĩ cách mạng và học sinh miền Nam ra Bắc, tôi khi đó chỉ là một cô bé 10 tuổi phải rời xa vòng tay gia đình để học tập, rèn luyện trên đất Bắc, để sau này trở về quê hương Cà Mau cống hiến.

Là thiếu nhi miền Nam ra học tập ở miền Bắc, tôi nhớ mãi hình ảnh Bác Hồ có dịp đến thăm. Hình bóng của Bác cao vời vợi, giọng nói ấm áp, ân cần hỏi han và dặn dò chúng tôi phải cố gắng học tập.

Ở ngoài miền Bắc, tôi học Học viện Nông Lâm Hà Nội và kết hôn năm 1970 với ông Phạm Hữu Liêm (sau này giữ chức Giám đốc Sở Lâm nghiệp tỉnh Cà Mau - PV) sinh được 2 người con ở miền Bắc. Năm 1973, khi chiến tranh còn diễn ra quyết liệt, ông Liêm vượt Trường Sơn, xuyên rừng miền Ðông về Cà Mau.

Khi đất nước thống nhất, vợ chồng và các con trở về quê hương xây dựng cuộc sống. Có một điều chắc chắn rằng, nếu không có Đảng và Bác Hồ thì sẽ chẳng có tôi hôm nay.

Ông Đinh Hữu Phước (94 tuổi, trú tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), bộ đội tham gia tập kết ra Bắc: “Tổ quốc nuôi mình trưởng thành, nên mình quyết dành cả cuộc đời để đền ơn Tổ quốc”

Ông Đinh Hữu Phước
Ông Đinh Hữu Phước

Năm 1954, tôi là bộ đội được chọn đi tập kết, chuyển quân ra Bắc, khi đó tôi mới 18 tuổi. Địa điểm tôi tập kết ngày đó là ở Chắc Băng. Đường đi xa xôi, chúng tôi phải mất tới hơn 3 ngày để tới được điểm đến là Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Thời gian ở ngoài miền Bắc, chúng tôi được học tập, rèn luyện, trang bị từ tư tưởng chính trị đến kỹ năng chiến đấu để có tư tưởng vững vàng, đánh trận giỏi và trí óc sáng suốt để nhìn nhận, phân tích tình hình, vững tin đi theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Ngày đó, tôi chỉ có một tâm niệm rằng, Tổ quốc nuôi mình trưởng thành, nên mình quyết dành cả cuộc đời để đền ơn Tổ quốc.

Tôi trải qua từng trận đánh, cùng các đồng đội chiến đấu, càng trưởng thành; giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, biết bao sự hi sinh xương máu đổ xuống để đổi lấy hòa bình, độc lập ngày hôm nay. 

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.