Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

7 tháng Việt Nam chống dịch thành công khi chỉ có hơn 1.000 ca mắc Covid-19

PV - 08:38, 22/08/2020

Đến nay, thế giới vẫn ghi nhận Việt Nam là một “hình mẫu phòng, chống dịch Covid-19 thành công”.

Hà Nội xét nghiệm trên diện rộng để phát hiện các ca nghi mắc Covid-19.
Hà Nội xét nghiệm trên diện rộng để phát hiện các ca nghi mắc Covid-19.

Từ ngày 21/1/2020, hai ca mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện, Việt Nam đến nay đã ghi nhận tổng cộng 1.009 ca mắc trên cả nước trong 7 tháng qua. Trong đó, số ca mắc trong nước là 668 người và 341 ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài, được cách ly ngay khi nhập cảnh.

Các biện pháp “mạnh tay” chống dịch ngay từ đầu

Thời điểm ngày 21/1, khi hai cha con người Trung Quốc được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) với triệu chứng sốt, lúc này thế giới đang chú ý tới một căn “bệnh viêm phổi lạ” bùng phát và lây lan nhanh chóng tại Vũ Hán, Trung Quốc. Trong khi đó, người cha có lịch trình di chuyển dày đặc tại Việt Nam khi từ Vũ Xương (Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc) đến Hà Nội, Nha Trang, TP HCM và Long An.

Từ khi Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hai cha con người Trung Quốc vào ngày 28 Tết Nguyên đán, Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp mạnh mẽ nhất cho cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Những ca bệnh mới tiếp tục xuất hiện trong nước, với những bệnh nhân đầu tiên là nhóm 7 công nhân trở về sau chuyến tập huấn tại Vũ Hán. Những trường hợp lây nhiễm nhanh chóng trong cộng đồng từ những ca mắc đã xác định, bắt đầu khiến người dân chú ý và tăng cường hơn biện pháp phòng dịch đơn giản nhất nhưng hiệu quả là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và thường xuyên sát khuẩn tay…

Ngày 13/2, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc trở thành ổ dịch Covid-19 đầu tiên được phong tỏa tại Việt Nam, với bệnh nhân thứ 16 mắc Covid-19 (BN16) được ghi nhận tại đây. Ngoài Vĩnh Phúc, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch tại Khánh Hòa và Thanh Hóa, với mỗi địa phương ghi nhận 1 ca mắc. Thời điểm này, thế giới đã ghi nhận khoảng 70.000 ca mắc Covid-19, tại gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, đã có khoảng 1.700 bệnh nhân tử vong, chủ yếu tại Trung Quốc đại lục.

Sau 22 ngày không có ca mắc mới Covid-19, bệnh nhân 17 (BN17) được ghi nhận tại Hà Nội, đưa Việt Nam vào một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Số ca mắc mới liên tục gia tăng tại nhiều địa phương trên cả nước, gồm cả những ca lây nhiễm trong cộng đồng và ca bệnh xâm nhập. Với những biện pháp mạnh mẽ triển khai ngay từ đầu, Việt Nam tiếp tục chủ động ứng phó dịch bệnh.

Bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 86 (BN86) là một điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - nhân viên y tế đầu tiên nhiễm bệnh tại Việt Nam, khiến diễn biến dịch bệnh trở nên nguy cấp hơn bao giờ hết khi cơ sở điều trị bệnh bị “dịch bệnh tấn công”. Sau Sơn Lôi, Bệnh viện Bạch Mai trở thành ổ dịch phức tạp mới.

Đến ngày 28/3, toàn bộ Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa, cách ly phòng dịch. Theo đó, từ ngày 1/4, thủ đô Hà Nội cách ly xã hội trong 14 ngày để phòng, chống dịch. Tại TP HCM, quán bar Buhhhad cũng là một ổ dịch phức tạp - nơi có liên quan tới viên phi công người Anh (BN91) là ca mắc Covid-19 nặng nhất tại Việt Nam.

Bệnh viện Bạch Mai trở thành ổ Covid-19 phức tạp.
Bệnh viện Bạch Mai trở thành ổ Covid-19 phức tạp.

Đây là giai đoạn chống dịch quyết liệt trên cả nước, với các biện pháp chưa từng có được triển khai. Các biện pháp bắt buộc nhưng đơn giản và hiệu quả trong phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và thường xuyên sát khuẩn tay… được người dân tuân thủ chặt chẽ. Thủ tướng Chính phủ đã nêu khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, “đi từng ngõ gõ từng nhà” để truy vết, khoanh vùng dập dịch nhanh nhất, đồng thời không để bất cứ người dân nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19.

Những nỗ lực này của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Báo chi nước ngoài ví: “Việt Nam nổi lên như một câu chuyện thành công lớn trong cuộc chiến trước đại dịch Covid-19”.

Trong bài viết có nhan đề “Phép màu Việt Nam - cách một dân tộc dũng cảm đánh bại đại dịch khủng khiếp” đăng trên trang tin “Mùa Xuân nước Nga” (Rusvesna) hôm 19/4, tác giả bài báo khẳng định, Việt Nam là một trong những ví dụ thành công nhất trên thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Trang web của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã đăng bài viết của nhà báo người Anh Sean Fleming có nhan đề: “Việt Nam cho thấy cách bạn có thể phòng chống Covid-19 với nguồn lực hạn chế” (tạm dịch - PV). Tác giả đã ví Việt Nam như “ngọn hải đăng” về cách làm với nguồn lực hạn chế trong chống dịch.

Sau 99 ngày sẽ không còn khoảng “bình yên”

Ngày 16/4 là một dấu mốc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Đến 6h sáng 16/4, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới Covid-19 là BN268, nữ, 16 tuổi, dân tộc Mông, trú tại một thôn hẻo lánh ở gần biên giới giáp Trung Quốc của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Hiện nay bệnh nhân đã được điều trị khỏi. Đây là ca lây nhiễm trong cộng đồng cuối cùng tại Việt Nam trong vòng 99 ngày trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng.

Trong hơn 3 tháng, Việt Nam tiếp nhận thêm các ca bệnh là công dân ở nước ngoài về trước tránh dịch. Cho đến ngày 25/7, BN416 là ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên được ghi nhận trở lại tại Đà Nẵng. Đến nay, nguồn lây bệnh của BN416 vẫn là “F0 mất dấu”. Chủng virus gây bệnh tại Đà Nẵng được xác định là chủng mới xuất hiện tại Việt Nam, với đặc tính lây lan nhanh hơn so với 5 chủng trước đây đã ghi nhận.

Đà Nẵng trở thành tâm dịch Covid-19, với ổ dịch là khối 3 bệnh viện lớn của thành phố. Các ca mắc Covid-19 liên quan đến Đà Nẵng bùng phát nhanh chóng trong cộng đồng và tại nhiều địa phương trên cả nước, với tổng số 527 bệnh nhân tính từ ngày 25/7 đến nay.

Giai đoạn bùng phát dịch này, Việt Nam cũng ghi nhận 25 bệnh nhân Covid-19 tử vong, với nhiều bệnh lý nền nặng như suy thận mạn tính, chạy thận, suy tim…

Nhận định giai đoạn bùng dịch phát dịch mới này, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nói: “Chúng tôi không ngạc nhiên nếu Việt Nam xuất hiện thêm những ca bệnh mới trong cộng đồng. Ngành y tế Việt Nam đã sẵn sàng triển khai tất cả các biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất tại Đà Nẵng; chỉ đạo hệ thống y tế ở các tỉnh tăng cường hệ thống giám sát, đặc biệt những người tiếp xúc với vùng dịch trong thành phố và từ Đà Nẵng trở về địa phương. Chúng tôi tin Việt Nam sẽ nhanh chóng cách ly, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả”.

Bệnh viện Đà Nẵng là một trong ba bệnh viện trở thành ổ dịch Covid-19.
Bệnh viện Đà Nẵng là một trong ba bệnh viện trở thành ổ dịch Covid-19.

Đánh giá mới nhất trong những ngày gần đây, số ca mắc mới đã giảm rõ rệt. Những ngày tới tại Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn có thể ghi nhận những ca mắc mới rải rác trong cộng đồng. Nhưng có thể nói tình hình dịch ở hai địa phương này đã được kiểm soát.

Đến thời điểm hiện tại ổ dịch tại Hải Dương cơ bản đã được kiểm soát. Bộ Y tế khẳng định, kinh nghiệm từ Hải Dương cho thấy, ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng, nếu chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan y tế triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, thì sau khoảng hơn 1 tuần dịch có thể được kiểm soát.

Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian tới, Việt Nam sẽ không còn “khoảng yên bình” vì có thể xuất hiện các chùm ca bệnh tại cộng đồng. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát lại tất cả các kịch bản ứng phó phòng chống dịch trên nhiều cấp độ, chủ động trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế và thực hiện sàng lọc những trường hợp theo đúng quy định, đặc biệt là nâng cao năng lực xét nghiệm tránh tâm thế trông chờ, thụ động.

“Chúng tôi nhận định, tình hình dịch bệnh còn kéo dài. Chúng ta phải nâng mức cảnh báo với cộng đồng lên cao. Chúng tôi rất quan ngại khi việc đeo khẩu trang hầu như không được tuân thủ. Bộ Y tế đang tích cực triển khai nhắn tin, khuyến cáo trên tất cả các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để người dân khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách… Như vậy mới đảm bảo phòng, chống dịch bệnh”, ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bên cạnh nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 của cả hệ thống, những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ trên cả nước cũng là điều được cả cộng đồng trong nước và quốc tế phải “nể phục”. Trong tổng số 1.009 ca mắc trong nước và ca bệnh nhập cảnh, các y bác sĩ Việt Nam đã điều trị khỏi cho 547 bệnh nhân. Trong đó, việc cứu chữa thành công ca mắc Covid-19 nặng nhất tại Việt Nam là BN91 - phi công người Anh đã trở thành kỳ tích.

Tính đến 6h sáng 22/8, trong số 436 bệnh nhân Covid-19 đang được theo dõi và điều trị đã có 35 ca có kết quả xét nghiệm âm tính lần 3 với virus SARS-CoV-2; 62 ca âm tính lần 2 và 41 ca có kết quả âm tính lần 1.

Theo thống kê mới nhất của trang Worldometers, toàn thế giới ghi nhận 23.073.311 ca mắc Covid-19, trong đó, 801.600 bệnh nhân đã tử vong. Dịch bệnh đang có xu hướng tái bùng phát làn sóng mới tại Pháp, Hàn Quốc hay tại Ấn Độ và Philippines đã ghi nhận con số mắc mới kỷ lục tính theo ngày… buộc chính phủ các nước phải mạnh tay, bắt buộc người dân thực hiện biện pháp phòng, chống dịch đơn giản nhất là đeo khẩu trang ở nơi công cộng./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.