Dọc theo Quốc lộ 1A, chúng tôi tìm về làng Phú Nhiêu thuộc xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) nơi lưu giữ điệu Hò Cửa đình 500 năm tuổi. Được người dân trong làng giới thiệu đến nhà cụ Lương Tất Tố, một cao niên trong làng. Năm nay cụ Tố đã ngoài 80 tuổi, nhưng giọng cụ vẫn hào sảng khi nói về những điệu hò của quê hương. Cụ Tố cho biết: “Hò Cửa đình đã có từ rất lâu, không ai biết chính xác từ khi nào, chỉ có một số tài liệu ghi chép lại vào khoảng thế kỷ XVI. Từ khi còn bé chúng tôi đã được nghe các cụ trong làng biểu diễn vào ngày rằm tháng Tám”.
Cụ Lương Tất Tố chia sẻ thêm Hò Cửa đình là một hình thức diễn xướng tập thể, các thành viên đều là nam giới từ 16 tuổi trở lên. Không giống như nhiều điệu hò ở các miền quê khác, hò Phù Nhiêu thể hiện tình yêu quê hương đất nước, cầu chúc sự yên bình và hưng thịnh. Mỗi bài hò theo gốc xưa phải đủ 517 câu theo thể 3 chữ, bốn chữ, sáu chữ, bảy chữ… Mỗi chầu hò phải diễn xướng đủ nội dung ấy cho ba phần: Bài giáo, bài hò, bài khóng. Mỗi bài có âm điệu riêng, cách thể hiện và diễn xướng khác nhau, nội dung cũng không giống nhau.
Hò Cửa đình có cách diễn xướng khác nhau, những người tham gia diễn xướng chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm từ 20 đến 30 người. Nhóm đứng cái là những người có giọng hò tốt, được ưu tiên đứng giữa đình, chia làm 3 hàng, mỗi hàng 5 đến 6 người làm nhiệm vụ lĩnh xướng, nhóm thứ hai gồm tất cả các thành viên còn lại đứng hai bên cánh gà có nhiệm vụ hò phần xô. Trang phục phải chỉnh tề, quần trắng áo the, khăn xếp.
Để bảo tồn và lưu truyền điệu hò cổ, ngày 15/7/2003, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh khi đó là Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trực tiếp về trao quyết định công nhận Câu lạc bộ Hò Cửa đình và múa hát bài Bông ở làng Phú Nhiêu là “địa chỉ văn hóa” của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.
Cụ Tố phấn khởi cho biết: Hiện nay , Câu lạc bộ có 92 thành viên, gồm 3 thế hệ. Thế hệ đầu gồm 9 cụ cao niên từ 70 tuổi trở lên. Thế hệ thứ 2 gồm 48 người từ 16-60 tuổi, và thế hệ thứ 3 từ 10-15 tuổi gồm 35 em. Tất cả các em thiếu niên nam yêu thích Hò Cửa đình đều được tham gia Câu lạc bộ. Người mới học phải mất 20 ngày để thuộc điệu, còn để thuộc lời bài hát tương đối khó, vì rất dài.
Ông Lương Văn Tạo, Phó Chủ nhiệm CLB Hò Cửa đình tự hào: “Nếu như ở các làng quê khác, thế hệ trẻ hầu như không chí thú với nghệ thuật dân gian thì rất vui ở Phù Nhiêu, các em đều coi nghệ thuật này như là dòng máu nuôi sống cơ thể”. Học hát Hò Cửa đình không hề đơn giản, nhất là với người mới bắt đầu học, nhưng với tình yêu môn nghệ thuật truyền thống, lại được các nghệ nhân có tâm với nghề truyền lại nên các em học rất nhanh. Ông Lương Văn Tạo cho biết, “tôi rất vui về thế hệ trẻ của làng, các cháu học rất nhanh, không mất nhiều thời gian tôi đã truyền dạy được cho các cháu, vậy là nghệ thuật dân gian truyền thống của làng đã tìm được thế hệ kế nhiệm”.
Trong các năm 2011 và 2015, Hà Nội đã đem Hò Cửa đình tham dự Liên hoan Hát dân ca toàn quốc do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Cả 2 lần đi thi Hò Cửa đình đều đoạt giải A. Cụ Lương Tất Tố nhắc lại lời của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh: “Hò Cửa đình quý như một loại vàng ròng trong kho tàng văn hóa dân gian của vùng đồng bằng Bắc bộ”.
HỒNG MINH