Từ đam mê, trân trọng bản sắc dân tộc
Trong căn nhà sàn nhỏ nằm tại xóm Xăm Pà, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu (Hòa Bình); ông Hà Văn Khay, Người có uy tín xóm Xăm Pà đang tỷ mẩn sắp xếp lại những cuốn sách, tư liệu về chữ viết của người Thái.
Ông Khay kể, chữ Thái cổ chính là di sản tinh thần, kết tinh trí tuệ của tổ tiên để lại, lưu giữ trong các sách cổ ghi chép về văn học, lịch sử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc nơi đây.
Thời thanh niên, ông được nghe các cụ, già làng trong xóm trao đổi, nói chuyện về chữ viết Thái. Lúc bấy giờ, với sự tò mò, ham hiểu biết; ông bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về những nét đặc trưng của chữ Thái cổ.
Càng đọc càng hiểu, ông càng say mê hơn nét đặc sắc văn hóa của ông cha gửi gắm phía sau những con chữ. Đó là những làn điệu dân ca, bài hát giao duyên tình tứ, kho tàng thành ngữ tục ngữ rất cô đọng mà thắm đượm triết lý nhân sinh, hiện lên một cộng đồng người Thái xưa có đời sống tinh thần phong phú.
Để có thể đọc thông, viết thạo tiếng Thái cổ, ông tìm gặp những người Thái, những già làng trong xóm biết tiếng mẹ đẻ và xin theo học. Cho đến khi nắm được phương pháp cơ bản, ông đã có thể đọc sách mọi lúc mọi nơi - tự học, tự nghiên cứu.
Ông Khay cho biết, chữ Thái cổ rất khó để hiểu. Một chữ phải đọc thành ba tiếng, liền với chữ thứ hai, và ghép thành cả câu có nghĩa thì mới hiểu được. Một chữ có thể có nhiều nghĩa nên rất khó nhớ, khiến người ta phải xem đi xem lại nhiều lần.
Giờ đây, căn nhà sàn nhỏ 3 gian của ông lưu giữ rất nhiều loại sách, tư liệu quý về chữ Thái cổ. Hễ nghe ở bản làng nào có những bản chữ Thái cổ, có người còn biết những nghi lễ của tổ tiên xa xưa, là ông tìm đến. Đến nay, ông sưu tầm nhiều về sách mo, các bản chữ cổ, những phong tục, tập quán của người Thái; ca dao, tục ngữ đã và đang dần mai một theo thời gian.
Nỗ lực để truyền lại cho thế hệ sau
Ông Khay luôn mong muốn, ai là người dân tộc Thái phải biết nói tiếng Thái, biết múa xòe, hiểu được cái nguồn, cái gốc của dân tộc mình.
“Mình là người Thái mà chỉ biết nói mà lại không biết viết, trong khi đó sử sách, những câu ca thành ngữ, tục ngữ từ các cuốn văn tự cổ đều bằng tiếng Thái. Nếu mọi người không học, không truyền dạy cho con cháu thì chữ viết sẽ bị mai một dần”, ông Khay trăn trở.
Khác với chữ Thái Việt Nam chuẩn hiện nay được mã hóa, có thể sử dụng trên máy vi tính, thuận lợi cho công tác in ấn, xuất bản và giảng dạy, chữ Thái cổ lại có các nét chữ hoàn toàn riêng và chỉ có thể chép bằng tay. Bởi vậy, hiện nay, số lượng người biết viết chữ Thái tại huyện Mai Châu chỉ còn lại rất ít.
Những lúc rảnh rỗi, ông thường xuyên dịch, chuyển đổi những cuốn sách từ chữ Thái cổ sang tiếng phổ thông. Theo ông, với phương pháp này, với những ai có nhu cầu học chữ Thái cổ sẽ cảm thấy thuận tiện và dễ dàng hơn.
Trong làng, ông Khay là một trong số ít người còn viết và hiểu được chữ Thái cổ. Bởi vậy, hễ ai có nhờ ông dịch những cuốn gia phả, những văn tự cổ ông đều sẵn sàng giúp đỡ. Nhiều bạn học sinh, thế hệ trẻ hiện nay muốn tìm hiểu về chữ Thái cổ, ông đều ân cần chỉ bảo hướng dẫn.
Ông Hà Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Nà Phòn cho biết, ông Hà Văn Khay là một trong số ít già làng trong xã hiện nay có những đóng góp trong việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
“Huyện Mai Châu có 98% là đồng bào dân tộc Thái, tuy nhiên hiện nay số người biết đến chữ Thái cổ còn rất ít. Những già làng như ông Khay cần được biểu dương để các thế hệ noi theo. Ông luôn tích cực tham gia các hoạt động trong xã, là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nà Phòn, Người có uy tín; giữ gìn bản sắc văn hóa chữ Thái cổ, truyền lại cho bà con nhân dân, các thế hệ trẻ”, ông Quân nói.
Chữ Thái cổ là chìa khóa để mở cửa kho văn hóa của quý báu của dân tộc Thái. Cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển, những giá trị truyền thống của ông cha để lại có nguy cơ ngày càng bị mai một. Bởi lẽ đó, ông Khay luôn ấp ủ mong muốn có thể mở lớp dạy chữ Thái cổ cho thế hệ trẻ ngày nay, để lưu giữ và phát huy những truyền thống của dân tộc.