Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

350 cánh diều hội tụ tại Liên hoan Diều toàn quốc lần thứ 2

Cát Tường - 21:15, 28/07/2022

Ngày 28/7, tại Khu du lịch sinh thái Cồn Đen (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Diều Việt Nam tổ chức Liên hoan Diều toàn quốc lần thứ 2, năm 2022.

Những cánh diều đủ màu sắc hội tụ tại Liên hoan Diều toàn quốc lần thứ 2
Những cánh diều đủ màu sắc hội tụ tại Liên hoan Diều toàn quốc lần thứ 2 (ảnh: Trung Du)

Tại Liên hoan, 350 cánh diều đủ màu sắc của 35 câu lạc bộ đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã cùng hội tụ về Thái Bình để giao lưu, so tài.

Theo Ban Tổ chức, với việc “Tục chơi diều sáo trong lễ hội Sáo Đền, xã Song An, huyện Vũ Thư” được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh Thái Bình là địa phương vinh dự được chọn làm nơi đăng cai tổ chức Liên hoan Diều toàn quốc lần này.

Hôm nay, những cánh diều xã Song An đại diện cho tỉnh Thái Bình sẽ đọ sức thi tài với gần 150 nghệ nhân diều đến từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đắk-Lắk, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nam Định...

Những con diều chuẩn bị cất cánh
Những con diều chuẩn bị cất cánh (ảnh: Trung Du)

Theo cổ lệ, để có được một cánh diều tham gia trong lễ hội, các nghệ nhân đã phải chuẩn bị sẵn sàng từ trước đó cả mấy tháng trời. Đối với người chơi diều, đó là cả một quá trình chuẩn bị công phu bằng rất nhiều tâm huyết; đối với người xem, họ sẽ được chiêm ngưỡng, thưởng thức thành quả lao động của những nghệ nhân diều, được hòa mình vào không khí hào hứng của cuộc thi.

Tại Liên hoan Diều toàn quốc lần thứ 2, sẽ diễn ra các nội dung thi như: Thi diều truyền thống thiết kế đẹp, thi kỹ thuật làm diều truyền thống tại chỗ, thi sáo diều truyền thống, thi thả diều sáo qua câu liêm và nhiều hoạt động trải nghiệm cho các em nhỏ như làm diều truyền thống, vẽ tranh trên diều, chơi diều an toàn.

Bên cạnh nội dung thi diều đẹp là thi sáo đẹp
Bên cạnh nội dung thi diều đẹp là thi sáo đẹp (ảnh: Trung Du)

Đặc biệt, người xem được chứng kiến nội dung thi diều sáo vượt câu liêm đã có từ hàng trăm năm nay với luật chơi không hề thay đổi, qua đó trực tiếp cảm nhận một nét đẹp truyền thống văn hóa, biểu hiện lòng ngưỡng mộ, tôn kính của người dân xưa với các bậc thần linh; từ đó cùng nâng cao ý thức giữ gìn và góp sức bảo lưu, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Liên hoan Diều toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức không chỉ là dịp để tôn vinh, quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống xã hội đương đại mà còn thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc tới các bậc tiền nhân đã có công lao với quê hương, đất nước trong hành trình phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam. Đồng thời đây cùng là dịp thu hút du khách, tạo sân chơi và cơ hội thưởng lãm cho những người yêu thích bộ môn nghệ thuật trên không...

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.