Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc- 2022: Vẫn còn nhiều trăn trở

Nguyệt Anh - 11:06, 29/05/2022

Sau 10 ngày tranh giải, tối 28/5, Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022 đã khép lại với 11 vở diễn và gần 100 nghệ sĩ, diễn viên được trao huy chương, giải thưởng. Tại Liên hoan, phía sau những huy chương, giải thưởng, các nghệ sỹ, diễn viên tuồng vẫn mang nhiều nỗi trăn trở...

Vở “Cô thần” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định) đoạt Huy chương Vàng.
Vở “Cô thần” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định) đoạt Huy chương Vàng.

Bức tranh nghệ thuật nhiều màu sắc

Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc- 2022 diễn ra từ ngày 17 đến 28/5 trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen - lễ hội truyền thống vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, là hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc của các văn nghệ sĩ nói chung và đồng bào, nhân dân tỉnh Nghệ An nói riêng dâng lên Người.

Liên hoan có sự tham gia của gần 600 diễn viên, nhạc công và các thành phần sáng tạo thuộc 11 đơn vị nghệ thuật tuồng, dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước, với 16 vở diễn (trong đó có 9 vở tuồng và 7 vở dân ca kịch).

Đánh giá về Liên hoan năm nay, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, có nhiều vở diễn đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ, mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật tuồng và dân ca kịch, tạo nên bức tranh nghệ thuật đầy màu sắc cho sân khấu truyền thống Việt Nam.

Còn nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật ghi nhận, 16 vở diễn mang đến Liên hoan là hai dòng chảy phối hợp nhịp nhàng, giữa truyền thống và hiện đại, giữa trình thức kinh điển và lối diễn mới mẻ, giữa kịch lịch sử bàn về quốc sự, trung quân ái quốc với kịch đề tài hiện đại phản ánh những vấn đề nóng bỏng, gay gắt của cuộc sống xã hội hôm nay. Các vở diễn đều có sự phối hợp nhịp nhàng giữa tác giả kịch bản và tác giả chuyển thể, tạo ra những tác phẩm ngôn ngữ giàu tính hình tượng, giàu tính hành động, giàu tính âm nhạc... Liên hoan cũng cho thấy một đội ngũ hùng hậu nghệ sĩ tài năng, cả những diễn viên gạo cội và diễn viên trẻ. Các khâu nghệ thuật như âm nhạc, ánh sáng, mỹ thuật tiến bộ, góp cho thành công của các vở diễn.

Đơn cử như vở diễn dân ca kịch “Cô thần” được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định dàn dựng công phu, với sự tham gia của gần 40 nghệ sĩ, diễn viên. Vở diễn kể về Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, một mưu sĩ tài ba dưới thời Tây Sơn. Vở diễn ca ngợi tinh thần trung quân ái quốc thời xưa, nhưng đến nay, tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị khi một đất nước muốn hưng thịnh phải cần những người lãnh đạo có trí tuệ và những bậc hiền tài yêu nước, thương dân.

“Truyện ngoài chính sử - Làm vua” (Nhà hát Tuồng Việt Nam) đoạt Huy chương Vàng.
“Truyện ngoài chính sử - Làm vua” (Nhà hát Tuồng Việt Nam) đoạt Huy chương Vàng.

Với vở “Chiếc áo thiên nga”, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP. Hồ Chí Minh mang đến Liên hoan một màu sắc nhẹ nhàng về chủ đề tình yêu đôi lứa. Chuyện tình của nàng Mỵ Châu và chàng Trọng Thủy được kể lại ở góc nhìn của người trong cuộc với những nét đặc trưng của nghệ thuật tuồng và mang một chút hơi thở hiện đại.

Còn Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế mang đến Liên hoan hai vở tuồng mang chủ đề nóng về công cuộc chống tham nhũng và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, đó là : “Hồn thiêng sông núi” và “Hóa Nhật muôn dân”. Ê kíp của phải mất ròng rã nhiều tháng liền mới hoàn thành 2 vở diễn này.

Còn nhiều trăn trở...

Tại Liên hoan lần này, phía sau phía sau lấp lánh những huy chương, giải thưởng, các nghệ sỹ, diễn viên tuồng vẫn ang nhiều nỗi trăn trở. Điều trăn trở lớn nhất là nghệ thuật tuồng hiện nay đang rất thiếu diễn viên trẻ, vắng bóng nguồn kế cận. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là chế độ, chính sách cho nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống còn quá thấp so với những ngành, nghề khác.

Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Hạc trải lòng: “Nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống chịu nhiều thiệt thòi, dù là những người giữ nét tinh hoa văn hóa của dân tộc nhưng khán giả không mấy quan tâm. Hai năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các nhà hát không có lịch diễn, lương thấp, nghệ thuật truyền thống “kén” người xem nên không bán được vé, nay lại phải tự chủ tài chính khiến càng khó khăn”.

Ngay cả trong đợt Liên hoan này, các đoàn đều không thể ở lại lâu để xem các đội bạn biểu diễn, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm... bởi không đủ kinh phí.

Trao Huy chương Vàng cho 3 vở diễn xuất sắc.
Trao Huy chương Vàng cho 3 vở diễn xuất sắc.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam nói: “Trước khi đến với Liên hoan, Nhà hát gặp khó khăn về vấn đề tự chủ tài chính. Để bảo đảm cho cuộc sống của các diễn viên tuồng, nhà hát buộc phải lấy nguồn thu xã hội hóa từ các loại hình nghệ thuật khác để bù đắp, trang trải cho nghệ thuật tuồng. Tôi mong rằng sau Liên hoan lần này, các cơ quan chức năng, ban, ngành sẽ nhìn nhận rõ thực trạng phát triển của nghệ thuật truyền thống để có những chính sách đãi ngộ cho đội ngũ diễn viên nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng.

Nhiều nghệ sĩ cũng rất băn khoăn trước chủ trương sáp nhập các loại hình nghệ thuật truyền thống. Các nghệ sĩ đều cho rằng, việc sáp nhập các loại hình nghệ thuật truyền thống thành một là chưa hợp lý, bởi nghệ thuật mang tính chuyên sâu, khác với các cơ quan hành chính. Các loại hình nghệ thuật truyền thống tụ lại một nơi sẽ lẫn lộn, mất đi nét đặc trưng, “nghiệp dư hóa”, lâu dần, chất lượng đi xuống, phai mờ và mất hẳn.

Thiết nghĩ, Liên hoan lần này không chỉ để đánh giá chất lượng nghệ thuật truyền thống mà còn là dịp để ngành văn hóa nhìn nhận thực trạng phát triển, từ đó có những quyết sách “tiếp lửa” cho nghệ thuật truyền thống được nuôi dưỡng đủ đầy và chảy mãi trong mạch nguồn văn hóa dân tộc.

Tại Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao 11 huy chương cho các vở diễn xuất sắc. Trong đó, 3 Huy chương vàng thuộc về vở “Cánh cò trong bão” (Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An), “Cô thần” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định), “Truyện ngoài chính sử - Làm vua” (Nhà hát Tuồng Việt Nam). Ngoài ra, có 5 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng.

Về giải diễn viên, Ban Tổ chức đã trao 31 Huy chương vàng, 40 Huy chương bạc, 20 Huy chương đồng cho các cá nhân biểu diễn xuất sắc. Về thành phần sáng tạo, Tác giả xuất sắc thuộc về tác giả Văn Trọng Hùng; Đạo diễn xuất sắc thể loại tuồng là Nghệ sĩ nhân dân Hoài Huệ; Đạo diễn xuất sắc thể loại dân ca thuộc về Nghệ sĩ ưu tú Bùi Như Lai; Nhạc sĩ xuất sắc là Nghệ sĩ ưu tú Thành Nam; Họa sĩ xuất sắc là Trần Hồng Vân; Biên đạo múa xuất sắc là Đỗ Thị Kim Tiển.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.