Sáng nay (12/1), tại Học viện Quân y, ba người đầu tiên đều là nữ, tuổi từ 20-22 đã được tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax liều cao nhất 75mcg.
Cũng như những lần tiêm thử nghiệm trước, danh tính của họ đều được bảo mật. Đây là những người đầu tiên trong nhóm 20 tình nguyện viên sẽ tiêm Nanocovax liều cao nhất 57mcg.
Ba cô gái này được tiêm lần lượt, mỗi người cách nhau 3 giờ. Sau khi tiêm, họ ở lại Học viện Quân y để theo dõi sức khỏe trong 72 giờ, sau đó trở về nhà tự theo dõi.
Khi ba người này tiêm an toàn, đội thử nghiệm sẽ tiêm cho 17 người còn lại, dự kiến thời gian tiêm là 15/1.
Theo PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y, đã có hơn 500 người đăng ký và khoảng 200 người đến sàng lọc cho thử nghiệm. Do tiêu chí tuyển chọn rất chặt chẽ nên chỉ 51 người đủ tiêu chuẩn để tiêm thử nghiệm cho toàn bộ giai đoạn một. Trong đó 20 người đã tham gia tiêm liều 25 và 20 người tiêm liều 50 mcg. Hiện đơn vị đang tiếp tục khám sàng lọc để chọn tình nguyện viên đủ tiêu chuẩn để tiêm liều 75 mcg.
Đến nay, nghiên cứu thử nghiệm Nanocovax trên người đã đi được một nửa giai đoạn một. 40 người đã tiêm vaccine trước đó hiện được theo dõi tại nhà. Đa số đều xuất hiện các phản ứng phụ không nghiêm trọng gồm đau nhức vùng tiêm và sốt nhẹ. Như vậy, có thể đánh giá phần nào vaccine này rất an toàn.
Ông Mến cũng cho biết, dự kiến nhóm đầu tiên sẽ tiêm mũi thứ hai của liều 25 mcg vào ngày 15-16/1.
GS.TS Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện Quân y cho biết kết thúc giai đoạn một thử nghiệm lâm sàng, Bộ Y tế sẽ nghiệm thu và đánh giá, sau đó cho phép thử nghiệm giai đoạn hai trên 560 tình nguyện viên tiếp theo, dự kiến bắt đầu vào tháng 2/2021. Việc tuyển chọn đối tượng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đang được thực hiện, đến nay đã có 350 người đăng ký tham gia.
Nanocovax là vaccine COVIC-19 đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Vaccine sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp, tức là lấy trình tự một đoạn S protein gai trên nCoV, tích hợp nó vào một dòng tế bào động vật đang nuôi cấy để tạo ra protein của virus, rồi pha chế với các tá dược khác nhằm tạo ra vaccine./.