Các hiệp hội kiến nghị, với các khu vực đang áp dụng theo nguyên tắc Chỉ thị 16 hoặc yêu cầu thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến" cho phép doanh nghiệp được ngừng đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 3 tháng, sau khi được gỡ bỏ giãn cách, hoặc sau khi dừng các mô hình sản xuất trên.
"Đối với doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ" hay tạm dừng sản xuất đều có chi phí phát sinh rất lớn nên đề nghị chung của doanh nghiệp là xin được giảm 100% bảo hiểm xã hội (BHXH) trong thời gian xảy ra dịch bệnh", Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Lý Kim Chi cho biết.
Với lao động đã và đang làm việc "3 tại chỗ", các hiệp hội kiến nghị sẽ được giảm một nửa mức đóng bảo hiểm xã hội trong 6 tháng, đặc biệt đối với những lao động đang phải tạm ngừng việc do phải cách ly hay không thể tham gia làm việc "3 tại chỗ".
"Chúng tôi đề nghị hỗ trợ giải quyết theo khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội, đó là hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm", Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam nêu đề xuất.
Đồng thời, các hiệp hội cũng đề xuất miễn phạt nếu doanh nghiệp không có khả năng đóng bảo hiểm trong giai đoạn phong tỏa, do phải ngừng hoặc bị giảm quy mô sản xuất.
"Được biết quỹ bảo hiểm xã hội còn có thể giúp được người lao động, nên chúng tôi đề nghị bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ hỗ trợ cho những người lao động đang làm việc tại các cơ quan, nhà máy", Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam Hoàng Vĩnh Long nói.
Hiện nay, riêng việc đóng bảo hiểm xã hội theo quy định, doanh nghiệp và người lao động đã phải đóng 32,5% tổng quỹ lương. Việc sản xuất, doanh thu giảm, trong khi các chi phí bỏ ra là không đổi, thậm chí tăng khiến doanh nghiệp khó trụ vững dài ngày. Các hiệp hội mong muốn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ sắp xếp một cuộc họp trực tuyến trong thời gian sớm nhất để lắng nghe và cùng giải quyết các vướng mắc với các hiệp hội, ngành nghề.