Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Đám cưới không cần xem ngày

Hoàng Quý - 14:39, 27/05/2020

Gần 20 năm nay, người dân ở thị trấn Yên Lạc mỗi khi tổ chức đám cưới không có ai đi xem ngày, chọn ngày để kết hôn vì hương ước ở đây quy định, dù cô dâu, chú rể tuổi gì, tiệc hỷ cũng chỉ được diễn ra vào 2 ngày cố định trong tháng: Ngày mùng 2 và 16 (Âm lịch). Việc làm này đã giúp người dân giảm bớt chi phí, thời gian cho việc cưới hỏi, không còn cảnh nghỉ việc đồng áng, việc cơ quan để đi ăn cưới, ảnh hưởng đến công việc, sản xuất…

Việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong đám cưới giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân
Việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong đám cưới giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân


Từ bao đời này, đám cưới là một trong những nghi thức quan trọng của người dân Việt Nam. Trước mỗi đám cưới, nhà trai, nhà gái đều tất bật chuẩn bị mọi công việc, trong đó không thể thiếu việc xem ngày, chọn giờ đẹp với mong muốn cho đôi uyên ương có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, đầu bạc răng long… Tuy nhiên, tại thị trấn Yên Lạc (Vĩnh Phúc), nhiều năm nay, người dân đã không còn chọn ngày để tổ chức đám cưới.

Ông Nguyễn Văn Duyện, một người cao tuổi ở thị trấn Yên Lạc chia sẻ: “Chính quyền thị trấn không cho phép bất kỳ một trường hợp tổ chức đám cưới ngoại lệ nào ngoài 2 ngày đã quy định (ngày 2 và 16 Âm lịch). Chỉ vào mùa cưới (tức tháng 10 và 11 Âm lịch), người dân mới được tổ chức thêm hai buổi nữa là ngày 10 và 22 Âm lịch”.

Như gia đình bà Dương Thị Hạnh có 6 con trai thì có 4 con đã lập gia đình, cũng rất phấn khởi khi thực hiện nếp sống mới trong tục cưới xin ở địa phương. Bà Bàn hồ hởi cho biết: "Tiết kiệm lắm cháu ạ. Nếu tổ chức như xưa có khi giờ bác và các con vẫn phải làm để trả nợ đám cưới cũng nên".

Được biết, trước đây do kinh tế địa phương phát triển, người dân đua nhau tổ chức đám cưới linh đình cho con, cháu, cỗ bàn liên miên, gây tốn kém thời gian, tiền bạc. Chính vì thế, chính quyền địa phương đã nảy ra ý tưởng chọn ngày sẵn là ngày mùng 2 và 16 Âm lịch (ngày tốt) để cho người dân địa phương tổ chức đám cưới. Trải qua quá trình bàn bạc, thảo luận, người dân thị trấn Yên Lạc đã ủng hộ thực hiện phương án này.

Quy định đã có trong hương ước của thị trấn Yên Lạc được ban hành năm 1998. Trong đó, việc tổ chức cưới tiết kiệm, văn minh được viết như sau: Tổ chức đám cưới trong vòng 1,5 ngày, không tổ chức đón dâu 2 lần, loa đài phục vụ đám cưới phải nghỉ trước 22h để bảo đảm trật tự khu phố, tránh tiếng ồn tới khu dân cư, không ăn uống linh đình; không hút thuốc lá; không sử dụng nhạc sống; không sân khấu đèn nhảy; không sử dụng loa có công suất lớn, không được đánh bạc…

Ông Ngô Văn Cường, Tổ trưởng Tổ dân phố 3, thôn Đoài, thị trấn Yên Lạc cho biết, trước khi kết hôn 3 tháng, chính quyền địa phương tổ chức buổi gặp mặt tất cả cặp đôi cưới cùng đợt để cấp giấy đăng ký kết hôn và ký vào bản cam kết tuân thủ những quy định trên. Song, những điều này chỉ bắt buộc với nam thanh niên ở thị trấn hoặc cô dâu nơi khác về Yên Lạc. Còn những cô dâu Yên Lạc đi lấy chồng nơi khác thì không phải theo quy định này. Cho đến nay vẫn chưa có hộ gia đình nào làm trái với quy định đó.

Một điều đáng mừng là nhờ quy định này, giờ đây Yên Lạc không còn cảnh ăn uống linh đình, lãng phí mỗi khi có đám cưới như vài chục năm trước đây. Mô hình này đang được các địa phương khác như: Bắc Ninh, Thanh Hóa... về thăm quan để áp dụng làm theo.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.