Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn đọc

Yên Khương - Nơi đói nghèo bủa vây

PV - 09:42, 31/10/2018

Hàng chục năm qua, vì không có đất sản xuất, khoảng 167 hộ với 725 nhân khẩu, chủ yếu là người Mường, Thái ở các bản Khon, bản Xắng, bản Hằng, xã biên giới Yên Khương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đang vô cùng khó khăn.

Cách trung tâm huyện Lang Chánh khoảng 50 cây số, con đường đến được vùng biên Yên Khương vô cùng gian nan, vất vả bởi lên dốc xuống đèo và gập ghềnh đá sỏi. Bản Khon với những nóc nhà sàn thưa thớt nằm rải rác ven sườn núi. Qua quan sát những căn nhà, tạm xem là có thể che nắng, che mưa nhưng trống hơ trống hoác, vì không có vật dụng sinh hoạt.

Không có đất sản xuất, người dân phải vào rừng hái lá về bán. Không có đất sản xuất, người dân phải vào rừng hái lá về bán.

Thời điểm chúng tôi đến là giữa ngày, nhưng rất nhiều người trong độ tuổi lao động ở nhà. Nét mặt buồn bã, chị Vi Thị Ánh (46 tuổi, người Mường), cho biết, mấy hôm nay trời mưa to, không vào rừng hái lá bán được. Gạo hết, tiền không có nên cả nhà phải ăn sắn thay cơm. Người lớn không sao, chỉ thương con trẻ.

“Bà con ở đây ai cũng vậy cả, không nghề, không đất sản xuất, không biết làm gì nên chỉ trông chờ vào rừng hái lá rong, lá chuối, vài cây rau rừng bán để kiếm sống thôi”, chị Ánh nói trong nghẹn ngào.

Anh Hoàng Văn Giáp, Bí thư Chi bộ bản Khon cho biết: Hiện bản có 52 hộ với 192 nhân khẩu. Người dân chủ yếu sống bằng nghề đi rừng. Khó khăn lớn nhất của bà con là không có đất sản xuất nên hầu hết là hộ nghèo.

Những năm qua, cũng có một số hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có người già yếu được đồn biên phòng giúp đỡ, cho mượn tạm đất để canh tác. Như gia đình bà Hà Thị Lanh (55 tuổi), người Thái, được mượn 100m2 đất để trồng sắn, trồng ngô, cuộc sống cũng đỡ hơn. Nhưng vài năm trở lại đây, do thời tiết bất ổn, mưa lũ thất thường nên cũng có vụ được, vụ mất, chưa kể bị chuột phá nên nhiều vụ gia đình bà Lanh cũng trắng tay. Ở bản, ngoài gia đình bà Lanh còn nhiều hộ dân khác cũng bị rơi vào hoàn cảnh tương tự. Do vậy, các hộ lại phải vào rừng hái lá kiếm sống, bữa đói, bữa no.

“Mong muốn lớn nhất của người dân chúng tôi là được Nhà nước quan tâm cấp đất sản xuất, hoặc đất trồng rừng để bà con an cư lập nghiệp”, Bí thư Chi bộ bản Khon bộc bạch.

Không chỉ bản Khon, 69 hộ dân với 315 nhân khẩu ở bản Xắng và bản Hằng có 46 hộ với 219 nhân khẩu đều rơi vào hoàn cảnh bữa no bữa đói do không có đất sản xuất, cuộc sống trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước.

Ông Lâm Văn Khánh, Bí thư xã Yên Khương cho biết: Hàng năm, các hộ được Nhà nước cấp hỗ trợ 3 tháng gạo cứu đói. Năm nay, ngoài chính sách của Nhà nước cấp gạo, huyện Lang Chánh cũng đã hỗ trợ thêm 3 tháng, cấp thành 3 đợt; mỗi đợt là 15kg gạo/khẩu/tháng. Ngoài nguồn lương thực này, bà con đi dọc những khu rừng ven đường biên giới để thu lượm lâm sản phụ, hái lá rong đưa về chợ trung tâm xã bán kiếm thêm thu nhập. Ngày may mắn, có người cũng kiếm được 20-30 nghìn, nhưng hôm trời mưa, lũ thì ra về trắng tay. Vì vậy mà cái đói, cái nghèo cứ bủa vây lấy họ.

Theo ông Khánh, việc cấp gạo hỗ trợ cho bà con lúc khó khăn là rất cần thiết và kịp thời, nhưng đây cũng chỉ mới là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài, người dân cần phải có việc làm và thu nhập ổn định từ phát triển sản xuất.

Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, ông Hồng cho biết: Những hộ thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn nhưng địa phương cũng không có quỹ đất để chia cho các hộ. Kinh phí để khai hoang quỹ đất mới thì rất lớn, vượt khả năng của địa phương.

Thời gian qua, địa phương đã nhiều lần báo cáo thực tế này lên cấp trên; đồng thời, cũng đề xuất với các ngành chức năng tỉnh xem xét bàn giao cho địa phương một phần diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện nhà nước quản lý để giao cho hộ dân thiếu đất sản xuất. Nhưng tính từ tháng 4/2013 đến nay, phương án đề xuất này chưa được các cấp ngành liên quan phê duyệt hay có ý kiến phản hồi.

Điều trăn trở nhất hiện này là, cuộc sống của 167 hộ dân ở xã vùng biên Yên Khương đang thực sự rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, vì vậy, chính quyền địa phương và người dân nơi đây rất mong được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các cấp, các ngành liên quan quan tâm, sớm có giải pháp giúp đỡ để ổn định cuộc sống.

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!