Kết nối giao thông miền núi
Xác định giao thông phải đi trước mở đường, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, nhiều dự án có nguồn vốn tài trợ từ nước ngoài được triển khai tại tỉnh Yên Bái mang theo kỳ vọng tạo sự đột phá cho các địa bàn khó khăn của tỉnh.
Ngay từ đầu năm 2022, chính quyền và Nhân dân 2 huyện Lục Yên, Văn Yên đón thêm niềm vui mới khi Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái (đoạn tuyến Khánh Hòa - Văn Yên) chính thức được khởi công. Đây là dự án giao thông quan trọng của tỉnh, được triển khai từ nguồn vốn vay của Quỹ phát triển Ả-rập Xê-út.
Dự án có điểm đầu tại Km0 giao với quốc lộ 70 tại Km96+550m thuộc địa phận xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên và điểm cuối tại Km29+38,57m giao với đường An Bình - Lâm Giang tại xã An Bình, huyện Văn Yên. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư Dự án. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trong tháng 1/2024. Dự án với quy mô đường cấp V miền núi có tổng mức đầu tư trên 913 tỷ đồng, trong đó, đoạn tuyến Khánh Hoà – Văn Yên nằm trong khuôn khổ Dự án có tổng chiều dài 29,43 km.
Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái (đoạn tuyến Khánh Hòa - Văn Yên) được khởi công xây dựng là một sự kiện, một dấu mốc quan trọng của tỉnh Yên Bái. Dự án tạo điều kiện thuận lợi, mở ra những cơ hội mới trong việc thực hiện quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững; đưa tỉnh Yên Bái sớm trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Ông Nguyễn Phúc Lợi, người dân thôn Khe Trang, xã An Bình (huyện Văn Yên) phấn khởi nói: “Chúng tôi rất vui mừng khi công trình này được khởi công. Đây là tuyến đường vô cùng quan trọng và cần thiết đối với người dân chúng tôi. Khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện cho nhân dân trong xã đi lại thuận tiện, lưu thông hàng hóa phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Nhận thức được tầm quan trọng của Dự án, nên người dân đều đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Đơn cử như tại xã An Bình (huyện Văn Yên) có 93 hộ dân nằm trong phạm vi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, trong đó có nhiều hộ phải di chuyển nhà cửa, công trình xây dựng trên đất. Trước thời điểm khởi công Dự án (ngày 8/1/2022), trên cơ sở đồng thuận cao của người dân, xã đã bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Thúc đẩy phát triển hạ tầng xanh
Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái từ vốn vay Quỹ phát triển Ả-rập Xê-út khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, sẽ góp phần quan trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối liên vùng của tỉnh. Thêm vào đó, hàng nghìn ki-lô-mét đường giao thông nông thôn được mở mới, bê tông hóa sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Đặc biệt, từ đầu năm 2021, UBND tỉnh Yên Bái đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Dự án hướng tới mục tiêu xây dựng mới hoặc sửa chữa nâng cấp các cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông thiết yếu nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số” được đầu tư xây dựng tại 5 huyện, thị xã của tỉnh Yên Bái gồm: Văn Chấn, Văn Yên, Mù Cang Chải, Yên Bình và thị xã Nghĩa Lộ. Dự án tập trung đầu tư 10 tiểu dự án, trong đó 5 tiểu dự án thủy lợi và 5 tiểu dự án đường giao thông với tổng mức đầu tư 2.078 tỷ đồng, gồm: vốn vay ODA 1.600 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh 478 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025.
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã chủ động tiếp cận với bộ ngành Trung ương và phía đối tác ADB để sớm triển khai Dự án này.
Tại buổi làm việc trực tiếp với đại diện ADB ngày 24/9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đã trao đổi với phía Ngân hàng ADB về tình hình biến đổi khí hậu của tỉnh trong những năm qua ,và những tác hại của biến đổi khí hậu đối với đời sống người dân. Đồng thời, mong muốn phía ADB và các đơn vị tư vấn sớm triển khai thực hiện Dự án trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, trong buổi làm việc với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ngày 25/11/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đề nghị Ủy ban Dân tộc hỗ trợ tỉnh Yên Bái trong quá trình làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và ADB để hoàn thành thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số - tỉnh Yên Bái”. Đồng thời quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để tỉnh Yên Bái sớm được tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới để đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm cụm xã đặc biệt khó khăn, tạo trục kết nối phục vụ phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Yên Bái được ban hành theo Quyết định số 1345/QĐ-UBND ngày 06/7/2021, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu “Tranh thủ tối đa các nguồn lực nhằm thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược về lao động, an sinh và xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ. Chú trọng nâng cao nguồn nhân lực và năng lực khoa học - công nghệ; Tạo công ăn việc làm, bảo đảm quyền của người lao động và các nhóm yếu thế; Thúc đẩy công bằng xã hội, bảo đảm an sinh - xã hội và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.
Trong Chương trình hành động này, Ban Dân tộc tỉnh được giao nhiệm vụ tham mưu đồng bộ triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” đến năm 2025 nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ triển khai các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2025 và cả giai đoạn 2021 - 2030.