Nhà máy Thủy điện Trạm Tấu có công suất 30MW, xây dựng trên địa bàn 4 xã Pá Hu, Hát Lừu, Xà Hồ và xã Trạm Tấu. Ngay từ thời điểm đầu năm, Công ty Cổ phần Thủy điện Trạm Tấu đã lên phương án phòng chống bão lũ cho vùng hạ lưu và thượng lưu. Có kế hoạch tích trữ nước, đồng thời thực hiện nghiêm sự chỉ đạo trong điều tiết nước, đảm bảo sản xuất chống ngập lụt cho vùng hạ lưu. Đẩy mạnh kiểm tra xử lý mối và các điểm xung yếu, đảm bảo an toàn cho công trình.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Trạm Tấu thì Thủy điện Trạm Tấu được xây dựng từ năm 2009. Tuy nhiên, vì địa hình đồi núi dốc, nên công tác kiểm tra an toàn gặp nhiều khó khăn. Trước mùa lũ, Công ty CP Thủy điện Trạm Tấu đã tiến hành kiểm tra công tác chống thấm, lún qua các đập, tiến hành quan trắc thường xuyên.
“Trong những ngày cao điểm mưa bão, chúng tôi chủ động hạ bớt dung tích chứa nước của hồ để đảm bảo an toàn. Đồng thời bố trí cán bộ, nhân viên trực 24/24h tại khu vực hồ, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, dụng cụ nhằm kịp thời xử lý các sự cố bất ngờ xảy ra”, ông Dũng cho biết.
Cùng với đó, tại nhiều cụm nhà máy thủy điện khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng chủ động có phương án phòng chống bão lũ. Để đảm bảo cho các công trình thủy lợi mùa mưa lũ, hằng năm các đơn vị đều được phân bố nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp các công trình.
Như trong đợt cơn bão số 3 vừa qua, tại hồ Ngòi Thóp, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên bị thấm qua vai và thân đập, cống tràn bị hư hỏng gây thất thoát nước, mất an toàn hồ, đập. Hồ Dộc Quý, xã Cảm Ân, huyện Yên Bình bị sạt lở mái thượng và hạ lưu đập, tràn xả lũ bị hư hỏng, mất an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ. Ngay khi kiểm tra thực tế tại các hồ, đập bị hư hỏng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị quản lý và vận hành các công trình thủy lợi, hồ chứa tiến hành duy tu, sửa chữa nhỏ các hạng mục hư hỏng, đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ.
Ông Phạm Quốc Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, để đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ, tỉnh Yên Bái cũng đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các kho dự trữ cũng được chuẩn bị đầy đủ xuồng máy, thuyền, phao cứu sinh, các trang thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và thuốc chữa bệnh, lương thực cứu trợ khi tình huống xấu xảy ra. Công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng tích cực được triển khai.
Ông Phạm Quốc Hưng đánh giá: “Nhìn chung các nhà máy thực hiện khá tốt các quy định của Nhà nước về quản lý vận hành công trình. Tuy nhiên trong đợt mưa lũ vừa qua có nhiều công trình bị ảnh hưởng như Nhà máy Thủy điện Văn Chấn, Thủy điện Đồng Sung (Văn Yên)… Để tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ, tiếp tục phát triển sản xuất hiệu quả, an toàn, các doanh nghiệp rất cần sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh và các ngành chức năng”.
HOÀNG QUÝ