Tấu Giữa là thôn khó khăn của xã ĐBKK huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái); dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Cùng với tỷ lệ hộ nghèo cao, trước đây, đồng bào dân tộc Mông ở Tấu Giữa còn nhiều hủ tục lạc hậu trong việc thách cưới, việc tang; tục người chết để lâu, ăn uống dài ngày.
Ông Mùa A Sùng, Người có uy tín thôn Tấu Giữa cho biết, khi được bầu làm Người có uy tín của thôn, ông Mùa A Sùng quyết tâm vận động bà con đẩy lùi hủ tục. “Tôi đã đến từng nhà vận động nhân dân đẩy lùi những hủ tục ra khỏi cộng đồng. Nhờ kiên trì vận động nhiều lần nên bà con đã nghe theo”, ông Sùng chia sẻ.
Nghe theo Mùa A Sùng, người dân trong thôn đã dần bỏ những hủ tục trong tang ma, cưới hỏi. Đến nay, việc cưới, việc tang đã được bà con tổ chức theo nếp sống mới, văn minh hơn, tiến bộ hơn.
Cùng với việc tuyên truyền từ bỏ nhiều hủ tục, ông Mùa A Sùng đã vận động nhân dân không nuôi gia súc gần nơi ở, vận động nhân dân làm bể nước, nhà vệ sinh. Nhờ đó, hiện nay, 100% các gia đình ở thôn Tấu Giữa đã có nhà vệ sinh, góp phần cùng địa phương hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Cũng như ông Mùa A Sùng ở Trạm Tấu, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã vận động người dân tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, đẩy lùi nhiều hủ tục,… Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, Người có uy tín đã phát huy vai trò nêu gương, khuyến khích người dân góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới.
Tiêu biểu như ông Lò Văn Bích, dân tộc Thái-Người có uy tín tại xã Nậm Có (Mù Cang Chải). Ông đã đề xuất với chính quyền địa phương và đứng ra vận động bà con đóng góp gần 50 triệu đồng để xây sân nhà văn hóa nơi ông cư trú và làm 2 tuyến đường từ cổng làng lên nhà văn hóa dài 130m, và đường chính trong khu dân cư dài 155m.
Ngoài ra, ông tiếp tục vận động và thành lập Ban xây dựng nông thôn mới ở thôn, vận động dân quy hoạch đất làm nghĩa trang chôn cất tập trung tại 1 điểm thay vì trước đây là chôn cất tự do, đến nay đã hoàn thành; vận động các hộ gia đình làm nhà vệ sinh, nhà tắm. Năm 2017 vừa qua, ông trực tiếp đứng ra vận động mỗi hộ 100.000 đồng, tổ chức cho 31 đại biểu đại diện các tổ, dòng họ đi học hỏi mô hình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội, chăn nuôi, trồng trọt tại các xã, huyện lân cận. Ông cho biết: “đến nay 99% hộ gia đình có nhà vệ sinh, 30% hộ gia đình có nhà tắm”.
Theo bà Nông Thị Kim Cúc, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, cùng với ông Sùng, ông Bích, đội ngũ Người có uy tín ở Yên Bái còn có nhiều cá nhân tiêu biểu như: Bàn Văn Toàn, dân tộc Dao; Hoàng Đình Chiến, dân tộc Nùng; Dương Văn Phùng, dân tôc Tày; Nguyễn Văn Lợi, dân tộc Dao; Sùng Giống Pha, dân tộc Mông;… Thời gian qua, họ đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc vận động bà con tại địa phương tham gia đóng góp kinh tế xây dựng nhà văn hóa, đường nội thôn, mang lại lợi ích thiết thực cho bà con, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Những đóng góp của đội ngũ Người có uy tín đã góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong tỉnh ngày một vững mạnh.
Bà Cúc cho biết, để động viên, khuyến khích Người có uy tín phát huy vai trò của mình, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện đẩy đủ, kịp thời chế độ, chính sách theo quy định. Từ năm 2012-2017, tỉnh đã hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần cho đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn với số tiền gần 2,9 tỷ đồng; riêng năm 2017 là 527,4 triệu đồng. Ngoài ra, tỉnh thường xuyên tổ chức cho Người có uy tín đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm…
Phó Trưởng Ban Dân tộc Yên Bái Nông Thị Kim Cúc cũng trăn trở, hiện Yên Bái là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách nên việc thực hiện chế độ, chính sách cho Người có uy tín vẫn chưa được bảo đảm. Do vậy, Yên Bái kiến nghị Trung ương cấp bổ sung kinh phí được quy định tại Quyết định 12/2018/QĐ-TTg để tỉnh triển khai kịp thời chính sách cho Người có uy tín.
HOÀI DƯƠNG