Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Yên Bái: Nhìn lại Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS

PV - 11:22, 12/08/2019

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định 1008/QĐ-TTg (gọi tắt là Đề án 1008), ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái để làm rõ hơn nội dung này.

Thực hiện Đề án 1008, tỉnh Yên Bái đã có những hoạt động gì nổi bật, thưa ông?

Thực hiện Đề án 1008, ngành GD&ĐT tỉnh đã tổ chức rất nhiều hoạt động, trong đó có việc phối hợp với các tổ chức đoàn thể, xây dựng các câu lạc bộ đọc sách tại thôn bản; hướng dẫn cha mẹ trẻ xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình, cộng đồng và tăng cường giao tiếp bằng tiếng Việt với trẻ; tổ chức các buổi hội thảo, hội thi “Giao lưu tiếng Việt cho học sinh là người DTTS” cấp tiểu học; tổ chức cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi giao lưu với học sinh tiểu học, tham gia ngày hội nói tiếng Việt; phối hợp với Hội Phụ huynh, già làng, trưởng bản sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian của người DTTS để sử dụng trong các nhà trường….

Đặc biệt, cán bộ quản lý và giáo viên tại huyện Mù Cang Chải và huyện Văn Chấn đã biên tập thành công 3 cuốn sổ tay từ vựng của dân tộc Dao và dân tộc Mông dịch ra tiếng Việt. Các cuốn sổ tay này được giáo viên dùng để tự bồi dưỡng tiếng dân tộc phục vụ cho việc dạy học sinh DTTS tăng cường tiếng Việt. Thông qua việc sử dụng sổ tay từ vựng đã giúp giáo viên tăng cường năng lực sử dụng tiếng dân tộc trong giáo dục học sinh và trong công tác tuyên truyền, trao đổi thông tin với phụ huynh học sinh là người DTTS.

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).

Ông có thể chia sẻ thêm về hiệu quả bước đầu của việc thực hiện Đề án 1008 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến thời điểm này?

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án 1008, chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có bước chuyển biến tích cực, nhất là giáo dục vùng DTTS. Học sinh người DTTS đã giao tiếp tự tin hơn, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, môi trường học tập thân thiện hơn cho cả giáo viên và học sinh.

Đánh giá sơ bộ cho thấy, hiện hơn 80% trẻ trên 5 tuổi có thể nghe, hiểu và trả lời bằng tiếng Việt, thậm chí có thể hát trọn vẹnnhiều bài hát, kể câu chuyện ngắn, giới thiệu về bản thân và sở thích. Bên cạnh đó, khoảng 80% giáo viên và cán bộ quản lý đã qua bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ tiếng dân tộc đều có thể giao tiếp cơ bản với phụ huynh học sinh bằng tiếng dân tộc, trừ những giáo viên trẻ, giáo viên mới ở vùng khác chuyển đến.

Thưa ông, trong quá trình thực hiện Đề án, ngành GD&ĐT tỉnh gặp những khó khăn như thế nào?

Đề án 1008 đặt mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 35% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Đến năm 2025, mục tiêu này được nâng lên có ít nhất 50% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt.

Nhưng hiện nay, cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn tỉnh vẫn còn yếu; thiếu phòng học, thiếu đồ dùng, đồ chơi; thiếu công trình vệ sinh, nước sạch, thiếu bếp ăn cho trẻ bán trú hoặc có nhưng không đúng quy cách. Hơn nữa, hệ thống giao thông đi lại tại các trường vùng cao rất khó khăn.

Trên địa bàn hiện có nhiều điểm trường lẻ, mỗi điểm trường lại chỉ có 1 đến 2 lớp. Điều này dẫn đến việc trao đổi thông tin, giao lưu học hỏi kinh nghiệm của giáo viên cũng như công tác kiểm tra, bồi dưỡng và giúp đỡ chuyên môn bị hạn chế.

Đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên, nhất là việc giáo viên người Kinh dạy vùng DTTS và giáo viên dân tộc này dạy vùng dân tộc khác dẫn đến tình trạng bất đồng về ngôn ngữ là rào cản giao tiếp giữa giáo viên và học sinh trong công tác giảng dạy, đặc biệt là công tác tăng cường tiếng Việt. Ngoài ra, một số vùng đặc biệt khó khăn với 100% là người DTTS, do đó việc giao tiếp trong gia đình và cộng đồng chủ yếu bằng tiếng mẹ đẻ, ít có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt dẫn đến vốn tiếng Việt ít, khiến học sinh nhút nhát, ngại giao tiếp…

Để việc thực hiện Đề án ngày càng đạt hiệu quả, thời gian tới ngành GD&ĐT tỉnh có kế hoạch gì thưa ông?

Để việc thực hiện Đề án ngày càng đạt hiệu quả, thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh sẽ triển khai xây dựng môi trường tiếng Việt trong các trường mầm non, trường tiểu học có trẻ em người DTTS; thiết kế xây dựng góc địa phương, phát triển thư viện nhà trường, trang trí lớp học, tạo môi trường tiếng Việt phong phú; tận dụng các điều kiện cơ sở vật chất sẵn có tại trường lớp để giao nhiệm vụ cho trẻ, khuyến khích trẻ giao tiếp, tương tác với nhau bằng tiếng Việt.

Ngành cũng sẽ triển khai thí điểm mô hình “Tăng cường tiếng Việt” tại các địa bàn phù hợp với điều kiện, đặc điểm vùng, miền để cán bộ quản lý, giáo viên thăm quan, học tập, triển khai nhân rộng mô hình; đẩy mạnh việc phối hợp tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt từ trong gia đình và trường học; tăng cường công tác bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông, Dao, Thái cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học công tác tại những địa phương có dân tộc Mông, Dao, Thái; ưu tiên lồng ghép các nguồn lực để bổ sung, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, học liệu phù hợp cho tất cả các trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn có trẻ em người DTTS.

Xin cảm ơn ông!

HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.