Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Yên Bái: Nhân rộng phong trào khuyến học ở vùng cao

Hiếu Anh - 11:40, 04/11/2020

Trong những năm qua, mặc dù kinh tế, xã hội vùng cao Yên Bái còn nhiều khó khăn, song, nhiều gia đình, dòng họ ở những bản làng vùng sâu, vùng xa vẫn luôn động viên con em tích cực học tập, vươn lên thoát nghèo.

Giáo dục vùng cao Yên Bái còn nhiều khó khăn, cần được khuyến học
Giáo dục vùng cao Yên Bái còn nhiều khó khăn, cần được khuyến học

Những dòng họ hiếu học

Xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái được gọi là cổng trời của người Mông, với độ cao trên 1.600m. Ở nơi đây thiếu thốn đủ thứ, chỉ một điều không bao giờ thiếu, đó là tinh thần hiếu học của con em vùng cao, đặc biệt là dòng họ Giàng. 

Cụ Giàng Nhà Play, Trưởng dòng họ Giàng, xã Chế Tạo cho biết, thời gian qua, dòng họ luôn tích cực tuyên truyền con cháu học tập. Trong các buổi sinh hoạt dòng họ, cụ đều giao cho lớp trẻ kiểm điểm, đánh giá lại kết quả học tập. Trong đó, dòng họ luôn nêu gương những người có thành tích học tập tốt; phê bình những người còn nhiều yếu kém, khuyết điểm để rút kinh nghiệm. Đồng thời, dòng họ cũng phân công cho từng thành viên của dòng họ, nhất là những thành viên có học thức, có uy tín, có địa vị xã hội giúp đỡ những gia đình, những thành viên còn yếu kém, khó khăn trong quá trình học tập, công tác.

Vì thế, dòng họ Giàng luôn đi đầu trong phong trào học tập của xã cũng như của huyện. Hiện nay, dòng họ Giàng có 17 người có trình độ đại học, 12 người có trình độ cao đẳng, 15 người trình độ trung cấp. Ngoài ra, dòng họ có 16 cháu đang theo học các trường chuyên nghiệp từ trung cấp đến đại học. Hầu hết, con cháu cụ Play đều tham gia công tác trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có 2 người đang công tác ở Trung ương, 4 người ở tỉnh, 20 người ở huyện.

Tương tự, dòng họ Sa, dân tộc Tày ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cũng là một điển hình hiếu học ở địa phương. Ông Sa Quang Phụng, Trưởng Ban Khuyến học dòng họ Sa cho biết: Ban Khuyến học đã xây dựng quy ước, hương ước, trong đó có những quy định về trách nhiệm của ông bà, cha mẹ trong chăm lo, nuôi dạy con cháu. Tất cả con em đến tuổi phải được đi học và học hết bậc học phổ thông, dòng họ cũng luôn tạo mọi điều kiện cho con cháu học lên cao hơn.

Nhờ vậy đến nay, 100% con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường; 64 người có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học. Nhiều người trong họ trưởng thành giữ chức vụ cao trong hệ thống chính trị từ cấp xã, huyện và cấp tỉnh.

“Bệ đỡ” từ chính quyền

Cùng với các gia đình dòng họ, thời gian qua, chính quyền tỉnh Yên Bái cũng tích cực khuyến học, khuyến tài. Mới đây (28/10), Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái đã tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Theo cáo báo của Quỹ Khuyến học tỉnh Yên Bái, từ năm 2015 đến nay, hệ thống tổ chức Hội Khuyến học đã phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố, trường học với hơn 1.800 chi hội, hơn 400 ban khuyến học; tỷ lệ hội viên đạt 24% dân số toàn tỉnh. 

Nhiều mô hình học tập, mô hình khuyến học, khuyến tài tiêu biểu ở các địa phương có sức lan tỏa lớn. Tiêu biểu như các mô hình: "Kho thóc khuyến học” ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn; "Dòng họ học tập” ở Mù Cang Chải, Trung tâm Học tập cộng đồng ở huyện Yên Bình, Cộng đồng học tập cấp xã ở huyện Trấn Yên… Hiệu quả các mô hình đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng cao, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. 

Bên cạnh đó, Quỹ khuyến học, khuyến tài cấp tỉnh 5 năm qua đã vận động được trên 10 tỷ đồng, giúp đỡ được hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh ĐBKK.

Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái đang phấn đấu, đến năm 2025 có 100% thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang có tổ chức hội; hơn 25% dân số là hội viên Hội Khuyến học. Hằng năm, 100% Hội Khuyến học các huyện, thị xã, thành phố đạt đơn vị khuyến học tiên tiến; ít nhất 10.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh ĐBKK được hỗ trợ...

Thời gian qua, dòng họ luôn tích cực tuyên truyền con cháu học tập. Trong các buổi sinh hoạt dòng họ, tôi đều giao cho lớp trẻ kiểm điểm, đánh giá lại kết quả học tập. Trong đó, dòng họ luôn nêu gương những người có thành tích học tập tốt; phê bình những người còn nhiều yếu kém, khuyết điểm để rút kinh nghiệm...”

Cụ Giàng Nhà Play, Trưởng dòng họ Giàng, xã Chế Tạo

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.