Cụ thể mưa lũ khiến 1 người chết là ông Hoàng Văn Đới, sinh năm 1958, ở thôn Hải Tâm, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn. Theo đó, khoảng 5 giờ ngày 2/10, ông Đới đi qua khe suối thôn Hải Tâm thì bị lũ cuốn trôi, đến khoảng 6 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể tại thôn Phào, xã Nghĩa Tâm.
Mưa lũ cũng đã làm thiệt hại nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tại huyện Văn Chấn, mưa lũ làm sạt lở taluy, ảnh hưởng 5 ngôi nhà; cuốn trôi 1 cầu phao tại xã An Lương, làm ngập cầu tràn tại tỉnh lộ 173 đoạn Chấn Thịnh đi Đại Lịch (đến nay đã thông đường), sạt lở một số tuyến đường giao thông liên thôn, bản tại các xã: Chấn Thịnh, Sơn Lương, Sùng Đô.
Tại huyện Văn Yên, mưa lũ khiến 2 ngôi nhà ở xã Đại Sơn bị tốc mái, 8 ngôi nhà bị sạt lở và ảnh hưởng. Ngoài ra, mưa lũ cũng gây thiệt hại 2,17 ha lúa; 3,3 ha ngô vụ đông; 0,5 ha quế cùng một số thiệt hại về gia cầm, diện tích nuôi trồng thủy sản. Về công trình giao thông, sạt taluy dương 1.000 m3 trên đường tại xã Yên Phú và 300 m3 đường thôn Lắc Mường, xã Phong Dụ Hạ; sạt taluy dương 1.000m3 nhà văn hóa cộng đồng UBND xã Mỏ Vàng.
Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện đã xuống thăm hỏi, động viên gia đình có nạn nhân thiệt mạng và hỗ trợ theo quy định. Đồng thời, huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục thiệt hại.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện cũng chỉ đạo các xã duy trì trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh bảo về mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở đất; thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở đất ảnh hưởng đến nhà ở, sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra.