Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhấn mạnh như trên tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội Nhà báo 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 diễn ra sáng nay (19/4) tại TP. Cần Thơ.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan ở Trung ương và TP. Cần Thơ, các nhà báo lão thành cùng hơn 500 cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện cho gần 24.000 hội viên trong cả nước.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả của tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của người làm báo
Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân đề nghị Hội nghị cần đánh giá một cách thực chất, khách quan những kết quả đạt được trong năm 2018 và rà soát việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam đã đề ra, nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, xác định rõ các nguyên nhân, trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan; đề ra những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động báo chí và hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời, nêu rõ những khó khăn, thách thức từ thực tiễn hoạt động báo chí, hoạt động Hội hiện nay, nhất là các cơ quan báo chí và Hội Nhà báo các cấp trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thảo luận, đề xuất các giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành, trong việc đổi mới nội dung, phương thức để tăng thêm tính hấp dẫn, chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo.
Đánh giá, tổng kết hoạt động năm 2018 của Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, năm 2018 là năm bản lề thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về mọi mặt, đặc biệt là việc thực hiện Quy hoạch báo chí đến năm 2025, việc sắp xếp, sáp nhập các tổ chức Hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) phần nào ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của những người làm báo, nhưng được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng đoàn, Ban Thường vụ và Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Có thể khẳng định, năm 2018 là năm hoạt động Hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu với nhiều sự kiện nổi bật, góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, hiệu quả của một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của người làm báo và có sức lan tỏa trong đời sống xã hội.
Năm 2018 được ghi nhận là năm mà các cấp Hội có nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả trong công tác xây dựng tổ chức Hội, với nhiều nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, đặc biệt là việc các cấp Hội quan tâm, tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ đúng tiến độ, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025; chú trọng rà soát tổ chức bộ máy và chất lượng đội ngũ hội viên, quan tâm chất lượng sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương.
Trong năm 2018 và quý I/2019, có 1.922 hội viên gia nhập Hội, thành lập mới một liên chi hội và 13 chi hội, tiến hành xóa tên 312 hội viên. Như vậy, tính đến hết tháng 3/2019, Hội Nhà báo Việt Nam có 297 đơn vị cấp Hội trực thuộc Trung ương, bao gồm: 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố, 19 liên chi hội và 215 chi hội với gần 24.000 hội viên.
Thực hiện Quyết định số 979/QĐ-HNBVN, ngày 6/4/2028 của Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam về việc sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương, các cấp Hội đã nghiêm túc quán triệt, giám sát và bước đầu thực hiện tốt việc quản lý hoạt động của đội ngũ phóng viên thường trú tại địa phương. Năm 2018, số lượng nhà báo, hội viên vi phạm Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam cũng như nội quy, quy chế của cơ quan chủ quản đã có dấu hiệu giảm rõ rệt.
Hội cũng đã tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt nghiệp vụ phong phú như: Hội thảo, tập huấn, giao lưu, tọa đàm mang tầm quốc gia, phối hợp tổ chức các giải báo chí cùng nhiều hoạt động nghiệp vụ với nội dung thiết thực, chất lượng cao được đội ngũ người làm báo tích cực hưởng ứng. Ngoài Giải Báo chí Quốc gia được tổ chức quy mô lớn, Hội còn phối hợp và tham gia với các ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức thành công 11 giải báo chí chuyên ngành của Hội Nhà báo và liên ngành. Thực hiện Đề án hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020; tổ chức thành công Hội báo Toàn quốc năm 2019 với chủ đề “Báo chí Việt Nam đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân”.
Đặc biệt, với việc ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong việc sử dụng mạng xã hội. Đại đa số các nhà báo-hội viên sau khi được học tập, quán triệt Quy tắc tại các cấp hội đã ý thức được sâu sắc, đầy đủ và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm chính trị của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, trong xử lý nguồn tin trên mạng xã hội phục vụ tác nghiệp.
Năm 2018, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo đã tiến hành can thiệp, bảo vệ 15 trường hợp nhà báo, hội viên bị hành hung, cản trở trong khi đang tác nghiệp. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo cũng tiến hành thu hội thẻ hội viên 7 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo; khiển trách một trường hợp và nhắc nhở, phê bình rút kinh nghiệm một trường hợp vi phạm trong sử dụng mạng xã hội.
Năm 2019: Thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và sự đóng góp quan trọng của báo chí, của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng, quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để báo chí phát triển và mong muốn đội ngũ người làm báo không ngừng phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang và cao cả của mình.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến nhanh và phức tạp, cùng với đó, công nghệ thông tin tác động sâu rộng đến mọi mặt trận của đời sống xã hội. Các cơ quan báo chí phải nhận thức rõ những xu hướng báo chí đa phương tiện, báo chí công nghệ và nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, phụ thuộc và bị dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo. Vì vậy, báo chí phải chủ động, đổi mới để có bước phát triển cho phù hợp. Các cơ quan báo chí và người làm báo cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó lưu ý:
Trước hết, cần giữ vững định hướng chính trị, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nêu cao tinh thần cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Báo chí tiếp tục tập trung truyên truyền đưa Nghị quyết XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vào cuộc sống. Đồng thời, báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò lực lượng nòng cốt, chủ động đấu tranh chống lại các thế lực thủ địch; đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chủ động bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội.
Báo chí cần chú trọng tuyên truyền về mặt tốt, mặt tích cực; gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hướng người dân vào những giá trị chân, thiện, mỹ, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh để tạo động lực tinh thần, thúc đẩy công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của những người làm báo, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, động viên, cổ vũ người làm báo hoàn thành tốt mọi trọng trách của mình. Thông qua Hội để chung tay chia sẻ khó khăn với các cơ quan báo chí, cộng đồng người làm báo, tạo mọi thuận lợi để báo chí thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Mặc khác, chú trọng công tác chăm lo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng và năng lực chuyên môn nghiệp vụ giỏi, không ngừng học tập, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, cập nhật công nghệ làm báo hiện đại để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí mang tính chuyên nghiệp, tính nhân văn, tinh thần chiến đấu. Các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các hành vi cản trở, đe dọa, xâm phạm với mọi hình thức đối với nhà báo trong thực thi nhiệm vụ.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn mong muốn báo chí tiếp tục phản ánh sâu rộng hơn nữa công tác vận động, tập hợp, củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kịp thời thông tin về tình hình đời sống nhân dân, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, hải đảo, vùng bị thiệt hại do thiên tai; đồng hành cùng Mặt trận trong việc thực hành, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, thực hiện tốt hơn Giải báo chí với công tác phòng chống tham nhũng lần thứ hai do Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài THVN phối hợp tổ chức và trao giải vào tháng 8/2019.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn tin tưởng đội ngũ những người làm báo Việt Nam ngày càng trưởng thành, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng thật sự là ngôi nhà chung của những người làm báo cả nước.
Nhân dịp này, Hôi Nhà báo Việt Nam đã xem xét và quyết định tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 7 tập thể, tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 15 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc.
(chinhphu.vn)