Chính bởi vậy, mấy ngày nay dư luận râm ran câu chuyện một người bán vé số ở Sóc Trăng đã thi đỗ và chính thức trở thành công chức của UBND huyện Long Mỹ, tỉnh Sóc Trăng. Đặc biệt hơn, là một người dân tộc Khmer nghèo, năm nay đã bước sang tuổi 38, người đàn ông này vừa bán vé số, vừa nuôi con, vừa tự học để tốt nghiệp Cử nhân Luật. Anh vượt khó học, mạnh dạn thi và đỗ công chức.
Anh là Kim Thái, ngụ thị trấn Long Phú, huyện Long Phú. Không “con ông cháu cha”, cũng chẳng ‘tiền tệ”, càng không phải là “đồ đệ” của lãnh đạo, Kim Thái xứng đáng ngồi vào “ghế” công chức ở UBND huyện Long Mỹ bằng chuẩn “trí tuệ”.
Phải nói là “trên chuẩn” mới đúng. Bởi trí tuệ của người đàn ông 38 tuổi là một hành trình góp nhặt đầy khó nhọc. Học xong lớp 12, anh thi đỗ khoa Lịch sử của Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng; học hết năm thứ 2 thì phải nghỉ do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Anh về quê và lập gia đình, đi bán vé số dạo để mưu sinh. Từ năm 2010 đến tháng 9/2015, vừa bán vé số, vừa nuôi con, anh “giật” tấm bẳng Cử nhân Luật loại khá. Ngoài ra, anh còn học thêm Tin học, Ngoại ngữ và các kiến thức khác để tham gia thi tuyển công chức của tỉnh năm 2017.
Kim Thái trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số.
Thực ra, câu chuyện của Kim Thái đáng lẽ chẳng có gì lạ. Có ý chí, có trí tuệ thì được trọng dụng, ấy là lẽ thông thường. Nhưng cũng vì ở một số nơi còn tình trạng lo lót, chạy chọt, nhất là ở các cơ quan có “màu mỡ” nên việc Kim Thái “lọt qua khe cửa hẹp” trở thành một hiện tượng.
Ở góc độ này, phải hoan nghênh tính công khai, minh bạch trong tuyển dụng công chức của tỉnh Sóc Trăng. Những nơi khác cũng cần học tập, làm theo để chọn được những người có năng lực thực sự.
SỸ HÀO