Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xuân về trên làng cổ Đường Lâm

Minh Nhật - 17:47, 21/01/2024

Hình ảnh cổ kính, mang nét xưa cũ của làng cổ Đường Lâm khiến nhiều người bồi hồi xúc động, nhớ về kí ức thuở thiếu thời, lớn lên bên cây đa, giếng nước, sân đình. Nằm cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 45 km, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là điểm đến với những du khách muốn tìm lại kí ức xưa, ngắm nhìn cuộc sống yên bình, mộc mạc.

Xuân về trên làng cổ Đường Lâm
Về làng cổ Đường Lâm ngắm cảnh yên bình khiến lòng người xao xuyến

Đường Lâm đang lưu giữ rất tốt những nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ xưa, với cây đa, bến nước, sân đình… cùng những ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo xây dựng bằng đá ong và cột gỗ lim. 

Làng cổ Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng, nên được gọi là “đất hai vua”. Năm 2006, Đường Lâm rất vinh dự khi trở thành làng cổ đầu tiên ở nước ta và đã được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Tại Đường Lâm có nhiều ngôi chùa cổ kính, có bề dày lịch sử, kiến trúc tinh xảo, như chùa Mía, chùa Ón.

Tết làng Việt 2024 diễn ra trong 2 ngày 20 - 21/1, tại Làng cổ Đường Lâm
Tết làng Việt 2024 diễn ra trong 2 ngày 20 - 21/1, tại Làng cổ Đường Lâm

Ngày 20/1/2024, rất đông người dân và du khách đã tìm về Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) để tham gia Chương trình “Tết làng Việt 2024”, diễn ra trong 2 ngày 20 - 21/1. Đây là năm thứ ba Chương trình được tổ chức, với sự tham gia của các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện doanh nghiệp nước ngoài, sinh viên quốc tế cùng các doanh nghiệp lữ hành…

Không gian Tết truyền thống của những làng quê Bắc Bộ Việt Nam được tái hiện sinh động tại Đường Lâm. Theo ông Trần Anh Tuấn - Bí thư Thị ủy Sơn Tây, lượng khách tới sự kiện "Tết làng Việt” tăng 4 - 5 lần so với năm 2022, trong đó có nhiều du khách quốc tế, sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam.

"Năm nay sự kiện quy tụ được khoảng 40 nghệ nhân ở nhiều làng nghề khác nhau để mang tới cho du khách những trải nghiệm đa dạng, hấp dẫn nhất. Từ nay tới Tết Nguyên đán, chúng tôi duy trì nhiều chương trình vào dịp cuối tuần để du khách có cơ hội trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật", ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Chế biến kẹo lạc tại làng cổ Đường Lâm
Chế biến kẹo lạc tại làng cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm đang đẩy mạnh khôi phục lại những nét sinh hoạt truyền thống của bà con, như: Làm kẹo lạc, làm tương, làm chè lam...; các hoạt động trải nghiệm như cấy lúa, trò chơi dân gian và tổ chức thường xuyên vào các dịp cuối tuần.

Tại Đình Mông Phụ, Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống vào trình diễn như xẩm, tuồng, chèo để phục vụ du khách dịp cuối tuần.

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Đình Mông Phụ
Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Đình Mông Phụ

Cuối tháng 1/2024, sản phẩm du lịch ẩm thực của làng sẽ là một trong hai đại diện tiêu biểu của Việt Nam được Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2024 trao giải thưởng “Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN 2024”. Trải qua bao thế kỷ, người dân Đường Lâm vẫn nắm giữ bí quyết chế biến các món ăn, thức quà nổi tiếng như thịt quay đòn, gà Mía hấp, đậu phụ kho tương, cá kho, tương bần, kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam, bánh gai… Giải thưởng này được mong chờ sẽ góp phần lan tỏa hình ảnh Đường Lâm tới đông đảo du khách quốc tế hơn nữa.

Tương nếp là một đặc sản của ngôi làng cổ Đường Lâm. Nghề làm tương ở Đường Lâm đã tồn tại từ xa xưa, cha truyền con nối. Nhà nào cũng có một vài chum tương dành ăn cả năm hay bán cho khách thập phương.

Xuân về trên làng cổ Đường Lâm 4
Tương nếp là một đặc sản của Đường Lâm

Tương Đường Lâm có hương vị rất riêng, ngọt, thơm, bùi, đậm đà khó quên. Tới các gia đình làm tương, du khách có thể lắng nghe lịch sử món tương truyền thống, xem một số công đoạn thực hiện và mua tương làm quà.

Những năm gần đây, du lịch Đường Lâm có sự “thay da đổi thịt” với nhiều không gian sáng tạo, tiêu biểu, như không gian Đoài Creative và Đoài Comunity của kiến trúc sư Khuất Văn Thắng, xưởng sản xuất sản phẩm sơn mài và không gian Nghề Làng của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát…, góp phần thu hút du khách. Các dịch vụ như lưu trú, ăn uống tại làng cũng bắt đầu được đầu tư phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.