Dẫn chúng tôi đi thăm xã Hát Lừu, một trong những xã tâm điểm của huyện Trạm Tấu bị thiệt hại nặng nề nhất của trận lũ quét, lũ ống kinh hoàng hồi tháng 10/2017, anh Lầu A Kỷ, Phó Phòng Dân tộc huyện nhớ lại: Đêm 10, rạng sáng 11/10/2017 tại đây có mưa to đến rất to, nước từ trên núi cao đổ về với cường độ mạnh, đã xảy ra lũ ống và lũ quét làm nhiều người chết và mất tích. Hàng chục ngôi nhà của người dân bị lũ tàn phá, nhiều héc-ta lúa và hoa màu đến vụ thu hoạch đã bị đất đá vùi lấp, tuyến đường từ trung tâm huyện vào xã Hát Lừu cũng bị hư hỏng nặng.
Dấu tích của trận lũ kinh hoàng vẫn còn in hằn trên những con đường vào xã, ven con suối Huổi Phang, trên những khuôn mặt đau thương khi mất người thân và nhà cửa. Theo những người dân nơi đây, chưa bao giờ họ chứng kiến cơn lũ khủng khiếp như vậy. Nhiều ngôi nhà sàn bằng bê tông kiên cố cũng bị bốc đi không còn sót gì. Bên con suối Huổi Phang, những người cha đỏ mắt tìm con, những người vợ nghẹn khóc tìm chồng và những đứa trẻ bỗng chốc không nơi nương tựa.
Bên căn nhà đang xây dựng gấp rút để đón một mùa xuân mới, anh Hà Văn Mạnh, thôn H2, xã Hát Lừu chia sẻ: Sau lũ, tôi đã được sự giúp đỡ, ân cần hỏi thăm của các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến xã, của bà con nên cũng đã phần nào vơi bớt những khó khăn. Còn người là còn tất cả, trước mắt gia đình tôi bảo ban nhau làm ăn, gây dựng lại những tài sản đã mất bằng công sức lao động...
Cũng như gia đình anh Hà Văn Mạnh, cuộc sống của các hộ dân nơi đây còn nhiều vất vả, nhưng mọi gian khó đều đang được khắc phục dần. Tinh thần tương thân tương ái thêm một lần nữa thắm lại.
Gia đình chị Lò Thị Chua, thôn H2, xã Hát Lừu cho biết: Nhà của mình ở Khu rừng vầu bị sập hoàn toàn, 400m2 lúa cũng bị vùi lấp hoàn toàn, nhưng nhờ có sự giúp đỡ, ủng hộ, chia sẻ, động viên của mọi người nên cuộc sống của vợ chồng mình đã cơ bản ổn định, có nhà mới chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Phó Chủ tịch xã Hát Lừu, Lò Văn Pầng cho biết, về mức hỗ trợ: Mỗi nhà sập hoàn toàn được hỗ trợ 25 triệu đồng, nhà di dời khẩn cấp được 15 triệu đồng. Ngoài ra, xã cũng đón trên 130 đoàn thiện nguyện, các tổ chức, cá nhân đến giúp đỡ nhân dân trong xã với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng, trong đó có cả tiền mặt cũng như nhu yếu phẩm.
Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu chia sẻ: Sau mưa lũ, dù còn thấp thỏm, lo lắng nhưng người dân xã Hát Lừu cũng như các xã khác trong huyện bị ảnh hưởng đã không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài mà chủ động, tự giác làm mọi việc để khắc phục thiệt hại, đảm bảo cuộc sống. Nhiều diện tích lúa và hoa màu bị vùi lấp đã được khôi phục. Đã bố trí đầy đủ quỹ đất để xây mới và di dời khẩn cấp. Các hộ dân bị thiệt hại đều được hỗ trợ từ Nhà nước và các nhà hảo tâm hỗ trợ. “Mục tiêu của huyện là Tết Mậu Tuất không để người dân đói, không để người dân không có nhà ở” - bà Hà cho biết.
Gần tới những ngày cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón Xuân Mậu Tuất, không khí rộn ràng của bà con dân tộc Thái nơi đây cũng dường như khẩn trương hơn. Năm nay có thể không có lợn to, mâm đầy bởi con đường đi lên của người dân vẫn còn nhiều chông gai, thử thách. Nhưng chắc chắn rằng sẽ ấm áp hơn bởi họ đã cùng nhau trải qua gian khó trong tình người, tình làng nghĩa xóm. Niềm vui đón năm mới đang lan tỏa trên mỗi gương mặt phấn khởi của người dân nơi đây bên những cánh hoa đào khoe sắc thắm. Xuân Mậu Tuất đang về nơi cơn lũ đi qua.
NGỌC TUẤN