Cơn mưa chiều vừa dứt, hàng chục chị em dân tộc Dao ở hai thôn Đăk Na và Đăk Rí, xã Tân Thành lại lũ lượt kéo nhau đến điểm trường của Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc để tham gia lớp xóa mù chữ. Người đi xe máy, nhóm cầm đèn phin rọi đường tránh những vũng nước ướt nhẹp để kịp giờ học.
Lớp học này bắt đầu từ 19h đến 22h30, liên tục từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, chủ yếu là phụ nữ, chỉ có vài học viên là nam giới. Người đứng lớp là thầy giáo Vi Văn Thông hiện dạy học tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc và chị Triệu Thị Mùi, Phó Bí thư đoàn xã Tân Thành.
Ở xã nghèo này, thanh niên đi học cao đẳng, đại học rất hiếm hoi. Cô gái dân tộc Dao Triệu Thị Mùi, là một trong số ít người được học cao, biết rộng và hiểu được cái chữ vô cùng quan trọng, nên khi địa phương, nhà trường có chủ trương dạy chữ cho bà con, Mùi xung phong đứng lớp.
Vừa phụ trách công tác đoàn, vừa công việc gia đình nhưng đều đặn hàng đêm, chị Mùi đều đến lớp dạy chữ cho bà con. Chị Mùi chia sẻ: Ban ngày làm nhiều việc cũng mệt rồi, đêm còn lên lớp, nhưng thấy tinh thần quyết tâm của bà con, mọi mệt mỏi tan biến hết. Lớp học chị phụ trách có 36 học viên, tất cả đều là nông dân, trong đó chủ yếu là đồng bào DTTS; do quyết tâm học bằng được cái chữ, mọi người đều rất chịu khó và đặt ra mục tiêu cho bản thân. Một số chị em tự cam kết với nhau, đến mùa khô là phải đọc, viết và tính toán thành thạo.
Là học sinh lớn tuổi nhất lớp, bà Đặng Mùi Ly 59 tuổi, thôn Đăk Na vui vẻ nói: Mình chưa từng được đi học, vào đây làm kinh tế đã nhiều năm, giờ có cháu nội, cháu ngoại lớn hết rồi vẫn chưa biết chữ. Tiền thì mình đếm được, nhưng chữ thì không biết. Được đi học thế này mình vui lắm, tối nào cháu ngoại cũng dẫn đến lớp, mới học được mấy ngày mà đã nhận được mặt chữ, biết cộng được các con số, viết được tên mình rồi.
Chị Triệu Mùi Mui, 28 tuổi, thôn Đăk Rí là học viên trẻ nhất lớp. Chị Mui ngại ngùng tâm sự: Ngày nhỏ tôi từng được đi học rồi nhưng học hành không sáng dạ mà bố lại ốm liệt giường nên học hết lớp 1 đã nghỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ làm ruộng. Khi biết có lớp xóa mù, 2 đứa con của tôi cứ vận động mẹ đi học để biết chữ; chồng chị cũng động viên và còn đi đăng ký cho chị đi học. Lúc đầu còn ngần ngại, nhưng đến đây thấy các bà, các cô lớn tuổi còn quyết tâm biết chữ, mình còn trẻ càng phải học để thay đổi cuộc sống, biết làm kinh tế thoát khỏi cái nghèo.
“Nhớ ngày xưa, có lần mua bánh mì cho con, nhưng do không biết đọc không biết bánh hết hạn nên con bị ngộ độc, phải đưa đến bệnh viện chữa trị. Khi con xuất viện, bác sĩ bảo ký giấy tờ, không biết ký, phải điểm chỉ; cần việc gì phải nhờ bác sĩ gọi điện cho chồng chạy từ nhà ra viện cực khổ biết bao nhiêu. Giờ có thể tự viết tên mình, đọc được sách báo, đi chơi đâu xa còn biết đọc tên đường, địa chỉ để khỏi bị lạc thấy tự tin hơn hẳn”, chị Mui bộc bạch.
Thầy giáo Nguyễn Văn Chung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cho biết: Lớp học xóa mù chữ được khai giảng ngày 5/5 tại hai điểm, điểm chính học tại trường do giáo viên của trường đứng lớp, còn điểm phụ tại thôn Đăk Rí do cô Phó Bí thư đoàn xã Triệu Thị Mùi giảng dạy. Danh sách đăng ký ban đầu khoảng hơn 60 học viên, nhưng bây giờ cả hai lớp đã lên đến gần 110 học viên rồi.
Phần lớn, học viên của lớp là nông dân, đồng bào dân tộc Dao hai thôn Đăk Na, Đăk Rí và một số ở trung tâm xã tham gia. Mục tiêu hoàn thành giai đoạn 1 trước tháng 10 để bà con bước vào vụ thu hoạch cà phê, vì ngày mùa bà con tập trung sản xuất hoặc đi làm thuê cả tuần mới về. Vì vậy, mà cả cô giáo và học viên đều phải chạy đua để kết thúc giai đoạn 1, với hy vọng các học viên trong lớp đều đọc thông, viết thạo, tính toán tốt.
QUỐC PHONG - LÊ HƯỜNG